Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV: Quan điểm khác nhau về quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 7 chương với 81 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 8 và Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 43, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước.
Trong nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề; bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư; đồng thời tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật, động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2, 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về nội dung này, dự án Luật đề xuất hai phương án. Phương án 1 là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h, khoản 1, Điều 6 mà quy định tại danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành; bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. Phương án 2 là giữ như quy định tại dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Ủy ban đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 43 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cùng chung quan điểm đề nghị không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Tuy nhiên, để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này; hoặc có thể xem xét đổi tên “dịch vụ đòi nợ thuê” thành tên gọi “dịch vụ xử lý nợ”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu có quan điểm nên giữ nguyên như dự thảo mà Chính phủ trình là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bởi lẽ, quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền hiện đại; các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. “Quan hệ dân sự thì đã có các thiết chế giải quyết như trọng tài, tòa án, hòa giải. Tại sao không dùng các thiết chế hiện có mà phải qua trung gian đòi nợ thuê?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn.
Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, ban đầu cho phép dịch vụ đòi nợ vì đánh giá sẽ giải quyết được yêu cầu đặt ra, song thực tế trong quá trình thực thi không mang lại hiệu quả tốt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, để lại nhiều hệ lụy.
Ở góc độ khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong điều kiện hiện nay, dịch vụ đòi nợ là một thực tế. Không ít trường hợp đã lợi dụng, biến tướng nhưng nguyên nhân là do chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này cũng như chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
“Do quản lý kém nên để biến tướng, còn đây là cơ chế thị trường, là yêu cầu thực tế. Vì vậy, tôi nhất trí không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng cần tiếp tục quy định tại Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như luật hiện hành và phải nghiên cứu, bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này, khắc phục những biến tướng đã xảy ra trong thực tế, chứ không phải quản lý không được thì cấm”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Tuy nhiên, để đạt được sự thống nhất đối với dự án Luật quan trọng này, Quốc hội cần làm rõ những ưu khuyết điểm đối với quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, lựa chọn đúng phương án của dự án Luật, đảm bảo sự đồng thuận của các cử tri trong bối cảnh hiện nay./.
Thu Phương
- Từ khóa :
- quốc hội
- luật đầu tư
- kỳ họp thứ 9
- kinh doanh đòi nợ
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Bên lề Quốc hội: Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giúp người dân gắn bó với ruộng đồng
17:36' - 25/05/2020
Nhiều cử tri cho rằng, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là giải pháp có tác động lớn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
-
Kinh tế Việt Nam
Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
07:51' - 25/05/2020
Theo lịch làm việc sáng nay 25/5, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Bên lề Quốc hội: Giảm thủ tục và quy định trách nhiệm với từng cấp trong đầu tư xây dựng
12:41' - 23/05/2020
Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần giảm bớt các thủ tục rườm rà và phân cấp mạnh hơn cho các cơ quan quản lý theo Luật.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Dự án đầu tư cấp mới tại Nghệ An tăng gấp hơn 2 lần
13:12'
Tại Nghệ An, từ đầu năm 2021 đến nay đã có thêm 14 dự án đầu tư được cấp mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5.547,61 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Không để địa phương đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp mua vaccine COVID-19
11:46'
“Vaccine là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, Bộ Y tế phải là đầu mối điều phối thống nhất, không thể để xảy ra tình trạng các địa phương đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp mua vaccine”.
-
Kinh tế Việt Nam
Cấm các phương tiện thủy neo đậu khu vực vùng đệm ven bờ vịnh Hạ Long
11:33'
Kể từ ngày 4/3, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cấm các tổ chức, cá nhân neo đậu phương tiện thủy tại khu vực vùng đệm ven bờ vịnh Hạ Long.
-
Kinh tế Việt Nam
Đà Nẵng thành lập Hội đồng Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số
10:35'
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Quyết định 698/QĐ-UBND thành lập Hội đồng Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủy điện Thượng Nhật được phép tích nước
09:46'
Theo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản cho phép chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật tích nước nhưng ràng buộc nhiều nội dung cam kết.
-
Kinh tế Việt Nam
Quảng Bình: Gấp rút sửa chữa lớn, đảm bảo cấp điện cho người dân
22:02' - 04/03/2021
Công ty Điện lực Quảng Bình đã và đang tiếp tục tích cực duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp các công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh.
-
Kinh tế Việt Nam
Tập đoàn Sovico đề xuất nhiều lĩnh vực đầu tư tại Cần Thơ
21:15' - 04/03/2021
Thành phố Cần Thơ ủng hộ Tập đoàn Sovico phát triển logistics hàng không và Vietjet tăng cường các chuyến bay tại thành phố Cần Thơ để "chia lửa" với sân bay Tân Sơn Nhất.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội: Cường độ sản xuất tại cụm công nghiệp Nguyên Khê còn èo uột
21:03' - 04/03/2021
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy trong cụm công nghiệp ô tô 1/5 (Đông Anh, Hà Nội) đã sản xuất trở lại, tuy nhiên cường độ vẫn còn èo uột, một phần là do thị trường bị đứt gãy bởi dịch COVID-19.
-
Kinh tế Việt Nam
Chuẩn bị khởi công hai dự án cao tốc Bắc - Nam vừa chuyển đầu tư công
20:47' - 04/03/2021
Bộ Giao thông Vận tải vừa thông tin về việc sắp khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên của hai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu trong tháng 6/2021.