Bên lề Quốc hội: Giảm thủ tục và quy định trách nhiệm với từng cấp trong đầu tư xây dựng

12:41' - 23/05/2020
BNEWS Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần giảm bớt các thủ tục rườm rà và phân cấp mạnh hơn cho các cơ quan quản lý theo Luật.

Ngày 23/5, góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần giảm bớt các thủ tục rườm rà và phân cấp mạnh hơn cho các cơ quan quản lý theo Luật.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, nhiều đại biểu cho rằng cần có giải pháp hạn chế quy hoạch “treo”; cấp phép xây dựng có thời hạn trong các khu đất có quy hoạch chậm triển khai để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Đại biểu Lê Quang Huy (Đoàn Nghệ An): Cú hích quan trọng với doanh nghiệp

Điểm mới của Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này có 3 vấn đề lớn đó là bổ sung các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; cấp giấy phép xây dựng có thời hạn vào các khu vực mà các quy hoạch chậm triển khai; phân định rõ các dự án đầu tư xây dựng các nguồn vốn khác nhau đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong quá trình thẩm định dự án cũng như thiết kế và cấp giấy phép xây dựng.

Hiện nay, các quy trình thủ tục như: thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cho đến cấp giấy phép xây dựng còn rườm rà, phức tạp và thời gian kéo dài.

Theo tôi, một trong những điều cần bổ sung vào Luật Xây dựng là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhóm chính sách lần này sẽ hướng đến đẩy nhanh tiến độ đẩy nhanh các dự án, các nguồn vốn khác nhau, nhất là nguồn vốn đầu tư công để làm sao có thể giải ngân nhanh, biến nguồn lực đó vào các hoạt động kinh tế xã hội. Khi đó, hiệu quả đầu tư sẽ tăng lên rất nhiều.

Ở Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này để đáp ứng yêu cầu cần có một quy định là riêng việc cấp giấy phép quy định, miễn phép xây dựng và phân quyền cấp giấy phép xây dựng từ Trung ương cho các địa phương có hiệu lực từ 1/7 tới.

Điều này có nghĩa là chỉ sau 2 tháng quy định này sẽ có hiệu lực, nhưng đây chỉ là dự thảo và Quốc hội sẽ còn thông qua vào giữa tháng 6.

Dù vậy, đây là sản phẩm của cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như cơ quan trình và Chính phủ cũng đồng thuận để đẩy nhanh được thời gian đó.

Ngoài ra, toàn bộ Luật này đến 1/1/2021 mới có hiệu lực tức là muốn đẩy nhanh những định chế có thể như miễn phép xây dựng, phân quyền phân cấp nếu không quá tải với một số cơ quan.

Từ đó, những thể chế, quy định của Việt Nam góp phần tích cực vào hiệu quả đầu tư, tốc độ giải ngân, nhất là vốn đầu tư công trong các dự án đầu tư xây dựng sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều.

Trong lần sửa đổi Luật Xây dựng năm 2019 có 3 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội sẽ giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng như người dân đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn nhiều.

Đầu tiên là nhóm chính sách liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, nhóm thứ hai là điều kiện đầu tư kinh doanh và nhóm đảm bảo thống nhất hệ thống phá luật.

Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư vướng mắc vì những quy định khác nhau trong các luật. Chẳng hạn quy định về nhà ở khác nhau giữa Luật Xây dựng và Luật Nhà ở, quy định về chủ đầu tư khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Xây dựng.

Ngoài ra còn nhiều vấn đề về thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế và cấp phép rất rườm rà và phức tạp, nhiều bất hợp lý.

Do vậy, Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này đều đã xử lý được và đây là định chế trong sửa đổi tới đây sẽ là cú hích, các cơ sở điểm tì pháp lý rất quan trọng để doanh nghiệp nói chung nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có cơ sở pháp lý để triển khai tốt hơn, hiệu quả hơn những dự án đầu tư xây dựng.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên Huế): Cần nâng cao chất lượng quản lý

Theo tôi, Luật Xây dựng (sửa đổi) phải nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và các tổ tư vấn ngay từ lúc triển khai dự án theo đó phải thẩm định hồ sơ năng lực của các đơn vị tham gia về các công trình đấu thầu, về quản lý nhà nước cũng phải tăng cường quản lý bằng Luật.

Phát huy đội ngũ mà chúng ta đã có, chẳng hạn như trong xây dựng là có Tổ tư vấn, tổ giám sát và thậm chí có những nơi giám sát của nhân dân rồi cả báo chí.

Ai cũng muốn công trình đảm bảo chất lượng, nhưng để luật đi vào cuộc sống cần phải nâng cao chất lượng quản lý. Theo tôi, hiện giờ phải thực hiện trách nhiệm của cơ quan được Luật phân công.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Phân cấp cụ thể và phối hợp chặt chẽ

Tôi cho rằng cần tạo điều kiện thông thoáng và phải phân cấp mạnh cho các cơ quan cấp dưới, chính quyền địa phương cấp dưới chứ không thể điều gì cũng lên Trung ương.

Chính phủ có thể phân cấp cho các Bộ và các Bộ có thể phân cấp xuống cho địa phương. Từ đó, địa phương phân xuống các huyện để họ có đủ thẩm quyền làm.

Một điều rất quan trọng là phải gỡ bỏ các thủ tục rườm rà, liên thông với nhau trong quá trình tổ chức thẩm định, cấp giấy phép.

Bởi khi làm một dự án phải thông qua nhiều cơ quan mà không biết ai là đầu mối. Chẳng hạn như thông qua tài nguyên môi trường về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, cơ quan thông tin, điện lực…

Vậy, để làm một dự án phải qua rất nhiều cơ quan mà không có sự phối hợp nên sẽ vẫn ách tắc. Chính vì những bất cập về sự không đồng bộ như vậy thì  theo tôi những vấn đề trên cần khắc phục như phân cấp cho các chủ đầu tư, các chủ dự án và phối hợp giữa các cơ quan quản lý để tổ chức thẩm định, thẩm tra và ban hành quyết định.

Tất cả quy trình phải minh bạch và phải chỉ rõ được trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đối với việc thực thi những công việc được giao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục