“Kỹ sư chân đất” khởi nghiệp từ cây lúa

09:01' - 24/12/2018
BNEWS Rèn luyện, trưởng thành từ môi trường Quân đội đã giúp cho Cựu chiến binh Phạm Văn Nhựt, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên để xây dựng kinh tế gia đình.
Cựu chiến binh Phạm Văn Nhựt. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

* Từ “kỹ sư chân đất” đến chuyên gia nước ngoài

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ từ chiến trường Campuchia, cựu chiến binh Phạm Văn Nhựt trở về quê hương gây dựng sự nghiệp với 3.000 m2 đất trồng lúa.

Tuy nhiên, lúc đó cuộc sống khó khăn vì các giống lúa địa phương năng suất thấp, liên tục bị thất mùa, có lúc ông Nhựt nghỉ chuyển sang cây trồng khác.

Ông Nhựt cho biết: cơ duyên đến với ông khi được tham gia lớp tập huấn về sản xuất giống lúa do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Sau khi tham gia lợp học ông Nhựt về quê ứng dụng những gì học được đã thực nghiệm và thành công trong phục tráng giống OC 10 (giống lúa địa phương, kháng mặn tốt, gạo dùng để làm bánh và bún), đạt chất lượng và năng suất cao.

Không dừng lại ở đó, ông Nhựt phục tráng nhiều giống lúa khác ở các tỉnh miền Tây đều thành công và được cấp xác nhận.

Ngoài ra, ông Nhựt đã lai tạo thành công hai loại giống lúa PM1, PM2 và nghiên cứu đưa các giống năng suất cao về sản xuất tại địa phương.

Ngoài ra, ông Nhựt thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa giống, mỗi năm, tổ hợp tác cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn lúa giống đã qua phục tráng.

Ông Nhựt nhớ lại, có một ngày, Công ty Siphandol mời ông đi sang tỉnh Champasak (Lào) để hướng dẫn nông dân nước bạn trồng lúa với mức lương hơn 1.000 USD/tháng.

Ông Nhựt đắn đo vì mình chỉ là nông dân, yêu thích công việc lai tạo giống lúa, trình độ chỉ có lớp 12 làm sao đi hướng dẫn cho nông dân.

Nhưng ông Nhựt nghĩ, cứ đi và hướng dẫn những gì mình đang làm tại ở nhà, mặt khác đây là cơ hội sang nước bạn học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa.

Ông Nhựt chia sẻ, ông đã đi cùng một người bạn trong nhóm nghiên cứu lai tạo giống. Sau khi qua nước bạn. Ông hướng dẫn người dân ở đây cách sử dụng máy móc như: máy cày, xới đất, máy xạ lúa…và áp khoa học kỹ thuật trong trồng lúa.

Người dân ở đây chỉ quen làm theo cách truyền thống làm đủ gạo để ăn không sản xuất theo hướng đại trà, được cầm tay chỉ việc, họ tiếp thu rất nhanh.

Qua Lào, ông đã giới thiệu giống lúa OC10 của địa phương cho người dân ở đây trồng làm nguyên liệu làm bún và làm bánh.

Ông Nhựt kể, trong lúc ăn sáng, thấy hủ tiếu và bún tại đây không ngon do nguyên liệu gạo nên ông giới thiệu giống gạo OC10 của Bến Tre.

Thấy hiệu quả, chính quyền địa phương mua lúa giống OC10 của ông Nhựt để sản xuất, giống lúa cho năng suất cao, giá thành tại thị trường Lào hơn 70.000 đồng/kg, cao nhiều so với Việt Nam.

Sau một năm làm chuyên gia hướng dẫn, người dân ở Lào đã tự thực hành máy móc và sản xuất lúa. Dự định trong tương lai, ông sẽ trở lại để thuê đất sản xuất vì ở Lào các vùng đất thích hợp trồng lúa hữu cơ, ông Nhựt chia sẻ.

* Khởi nghiệp từ thế mạnh cây lúa

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ từ chiến trường Campuchia, cựu chiến binh Phạm Văn Nhựt trở về quê hương gây dựng sự nghiệp với 3.000 m2 đất trồng lúa. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Được một người bạn đi Nhật Bản về tặng quà duy nhất là một bông lúa thảo dược đen, ông Nhựt mang đi nhân giống. Sau hơn 2 năm, gạo thảo dược sản xuất từ ruộng của ông được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận nhất là thị trường tại Thành phố Hồ Chí Minh với giá từ 20 - 40 ngàn đồng/kg.

Hiệu quả thành công bước đầu, ông Nhựt bắt đầu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng thương hiệu để khởi nghiệp cùng với nông dân trong tỉnh.

Hiện nay, ông Nhựt tổ chức hợp đồng người dân trong xã Phong Mỹ sản xuất giống lúa LH16 và lúa thảo dược, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Bước đầu, ông liên kết hơn 5 ha, sau đó sẽ mở rộng sản xuất quy mô lớn hơn.

Theo ông Nhựt, đặt hàng giá lúa đầu ra từ 7.000-8.000 đồng/kg lúa tươi (cao hơn thị trường từ 1.000 -2.000 đồng/kg) cho giống LH16, từ 10.000 đồng/kg cho giống gạo thảo dược, yêu cầu trồng lúa theo hướng sạch, hữu cơ.

Bên cạnh đó, ông Nhựt cho xây dựng hệ thống sấy, xay xát đóng gói. Trong thời gian tới, ông sẽ tổ chức liên kết nông dân để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Phong Mỹ, từ đó giúp người nông dân an tâm với cây lúa hơn.

Ông Hồ Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, từ một cựu chiến binh nghèo khó, nhờ nỗ lực vươn lên mà hiện nay gia đình ông Nhựt đã có hơn 3ha đất canh tác, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Có của ăn của để, ông Nhựt luôn suy nghĩ và sáng tạo trong sản xuất lúa và nắm bắt thời cơ trong thị trường.

Ộng Nhựt là một trong những cựu chiến binh tiên phong khởi nghiệp của địa phương. Mô hình sản xuất lúa thảo dược và các giống lúa khác theo tiêu chuẩn hữu cơ của ông Nhựt đã được UBND xã Phong Mỹ đưa vào Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp” tại xã.

Trong thời gia tới, địa phương đề nghị cơ quan chức năng các cấp có lộ trình hỗ trợ ông Nhựt để xã có thêm điều kiện nhân rộng mô hình này và tiến tới thành lập hợp tác xã lúa hữu cơ được chứng nhận nhãn hiệu, từ đó, mang lại hiệu quả cao cho người nông dân trong sản xuất lúa tại địa phương.

Ngoài ra, ông Nhựt luôn tích cực tham gia công tác xã hội của địa phương, hỗ trợ hộ dân nghèo ở địa phương phát triển kinh tế.

Hơn 20 năm vừa nghiên cứu và sản xuất lúa giống, trở thành “kỹ sư” qua các lớp tập huấn, ông Nhựt là một trong 14 nông dân vinh dự được Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ tôn vinh danh hiệu “Nhà nông lai - chọn giống lúa và bảo tồn đa dạng sinh học” giai đoạn năm 1995 - 2015.

Ngoài ra, ông Nhựt đã 2 lần được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Ông Nhựt nhấn mạnh “Là người lính Bộ đội cụ Hồ, khi trở về xây dựng quê hương, phải khắc phục khó khăn để làm giàu cho quê hương, đất nước”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục