Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Đề thi tổ hợp khó lấy điểm cao

16:01' - 10/08/2020
BNEWS Sáng 10/8, cùng với thí sinh cả nước, gần 80.000 thí sinh Hà Nội đã hoàn thành bài thi tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.

Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi tổ hợp Khoa học xã hội và tổ hợp Khoa học tự nhiên năm nay tương đối vừa sức với học sinh nhưng lại khó lấy điểm cao.

* Đề thi tập trung kiến thức lớp 12

Nhiều giáo viên đã nhận định về độ khó của các bài thi thành phần trong 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội: 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo. 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của kỳ thi.

Đối với Tổ hợp Khoa học tự nhiên, các giáo viên cho rằng đề thi phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và có những câu hỏi ở mức độ phân loại để xét tuyển Đại học. Cụ thể, với môn Vật lý, đề thi dễ thở với học sinh có mục tiêu tốt nghiệp (dễ kiếm điểm 5), phân loại tốt với học sinh dùng môn Vật lý để xét tuyển Đại học (8 câu cuối). Học sinh học “khá cứng” và học giỏi thì làm đến tầm câu 32

không quá khó khăn. Dự kiến phổ điểm chủ yếu sẽ tầm từ 5 - 7 điểm, điểm từ 8,5 - 9,5 sẽ ít, còn 10 tuyệt đối thì chắc chắn rất rất hạn chế.

Với môn Hóa học, các học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản sẽ làm được dễ dàng 50% đề thi. Các câu hỏi từ 61 trở đi đòi hỏi kĩ năng suy luận, tư duy nhẹ nhàng. Từ câu hỏi số 71 về sau phân hóa thành các cấp độ học sinh. Nội dung kiến thức tập trung chủ yếu ở chương trình 12 và có kết hợp với một số câu hỏi nằm trong chương trình 10, 11; không xuất hiện câu hỏi nằm trong chương trình tinh giảm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với môn Sinh học, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đề thi đã có những thay đổi đáng kể so với đề năm 2019. Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 (33 câu), các câu hỏi thuộc lớp 11 đều ở mức nhận biết và thông hiểu. Học sinh nếu nắm vững kiến thức dễ dàng đạt được mức 7 - 7,5 điểm.

Để đạt điểm 9-10, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khoẻ ổn định sau khi thi môn Vật lý và Hóa học.

Về đề thi môn Hóa học, thầy Phạm Trọng Thịnh, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) nhận định, đề thi năm nay khá hay. mức độ khó giảm so với những năm trước theo đúng mục đích xét tốt nghiệp. Dù vậy, đề vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh.

Để đạt điểm khá giỏi, các em cần có kỹ năng tính toán, xử lý các bài tập qua 2 - 3 bước cũng như tư duy  tổng hợp kiến thức trong chương trình học trung học phổ thông. Sẽ có học sinh đạt điểm 10 nhưng không nhiều, thầy Thịnh dự đoán.

* Học sinh khá, giỏi dễ dàng vượt qua Tổ hợp Khoa học xã hội

Theo đánh giá của một số giáo viên tại Hà Nội, mỗi môn thi thành phần của bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn: Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) bám sát đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc nội dung kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc nội dung kiến thức lớp 11. Riêng môn Địa lý, không thấy xuất hiện kiến thức của lớp 11.

Em Nguyễn Hà Quang Đăng, thí sinh tại điểm thi trường Trung học phổ thông Trưng Vương (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ:  Cả 3 môn trong tổ hợp Khoa học xã hội năm nay đều nằm trong kiến thức ở mức độ cơ bản.

Trong đó, em ấn tượng về đề thi môn Giáo dục công dân vì tính thực tiễn, đời sống cao hơn hai môn còn lại. Trong đề có trích dẫn câu chuyện về cậu bé nhặt rác đã gây được sự chú ý trên mạng xã hội vừa qua và em dự đoán mình sẽ đạt khoảng 7 điểm mỗi môn.

Phân tích đề thi môn Lịch sử, thầy giáo Trần Đình Huy, giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định cho rằng, đề thi này vừa sức với các em. Nội dung đề thi môn Lịch sử năm nay kiến thức nằm trong khung chương trình đã được tinh giản, chủ yếu nằm trong chương trình học lớp 12.

Các câu hỏi vận dụng nằm trong chương trình học kỳ I của lớp 12 và một số câu liên quan đến kiến thức lớp 11. Phần câu hỏi này sẽ giúp phân loại học sinh, những em học lực khá và giỏi sẽ dễ dàng vượt qua. Với các em học lực trung bình có thể đạt điểm 5 trở lên.

Ở môn Giáo dục công dân, theo cô Nguyễn Thị Hằng, Trường Trung học Phổ thông Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đề bám sát nội dung chương trình học sau tinh giản và nội dung ôn tập. Các câu hỏi vận dụng trong đề thi năm nay mang tính thực tiễn và giáo dục cao. Với những em nắm chắc kiến thức, có khả năng suy luận và đọc kỹ đề sẽ dễ dàng đạt 9 - 10 điểm, còn lại các em rất dễ đạt 7 - 8 điểm.

Cô Nguyễn Thị Mai, Tổ trưởng chuyên môn Địa lý, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, đề thi bám sát chương trình học, tập trung vào nội dung của lớp 12 và đúng với cấu trúc đề thi minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo ra trước đó.

So với đề thi năm trước thì đề thi năm nay có số lượng câu hỏi kỹ năng sử dụng Atlat địa lý nhiều hơn với tổng số 18 câu, chiếm 4,5 điểm. Đối với phần này, học sinh chỉ cần biết sử dụng đọc hiểu thông tin Atlat đã dành được điểm dễ dàng.

Các câu hỏi trải rộng ở phần các vùng kinh tế - ngành kinh tế khá nhẹ nhàng, có lồng ghép một số câu về biển đảo. Ở phần địa lý tự nhiên trong đề thi có khoảng 4-5 câu hỏi khó, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng vận dụng mới làm được.

Về tổng thể đề thi có vẻ nhẹ nhàng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu phân hóa thí sinh cho việc tuyển sinh đại học ở khối C. Với đề thi này, phổ điểm trung bình 6-7 điểm rất dễ đạt được nhưng điểm giỏi chỉ giành cho những thí sinh thật sự đầu tư ôn tập và vận dụng tốt kiến thức được học - cô Nguyễn Thị Mai chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục