Thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Đề thi tổ hợp Khoa học Xã hội "dễ thở"

14:39' - 10/08/2020
BNEWS Đánh giá về đề thi các môn tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), nhiều giáo viên cho rằng, độ khó của đề thi năm nay đã giảm.

Sáng 10/8, các thí sinh bước vào ngày thi thứ hai Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. Năm nay, thí sinh chỉ được chọn thi một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút.

Đánh giá về đề thi các môn tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), nhiều giáo viên cho rằng, độ khó của đề thi năm nay đã giảm, thể hiện rõ tinh thần chia sẻ và đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thí sinh phải học tập và ôn luyện trong đại dịch COVID-19.

Đề thi Địa lý “dễ thở” với học sinh

Cô Lê Phượng Loan, giáo viên Địa Lý, Trường Trung học phổ thông Vinschool, Hà Nội nhận xét: Nội dung đề thi bám sát kiến thức trọng tâm của lớp 12. Đề không xuất hiện các phần kiến thức, kỹ năng liên quan đến lớp 11. Các kỹ năng chuyên biệt được kiểm tra toàn diện, với hệ thống nhiều câu hỏi sử dụng Atlat địa lý Việt Nam, đọc và phân tích biểu đồ, bảng số liệu.

Cấu trúc đề tương đối trùng khớp với đề minh hoạ. Với đề này, việc đạt được điểm 6-7 khá dễ. Tuy nhiên, để đạt được điểm 9-10 thì học sinh phải có khả năng tư duy phân tích mối quan hệ nhân - quả và tổng hợp kiến thức tốt.

Theo cô Lê Phượng Loan, so với năm ngoái, đề thi năm nay không khó hơn, số câu hỏi nhận biết và thông hiểu có tăng, phù hợp với tình hình thực tế học sinh đã có thời gian học online và ôn tập gián đoạn do ảnh hưởng của COVID-19. Đề thi không có câu hỏi đánh đố, lắt léo. Việc ra đề thi khá tường minh nhưng vẫn có khả năng phân hoá, giúp cho việc xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển Đại học thuận lợi.

Đồng quan điểm trên, cô Trần Thị Thu Hương, Tổ trưởng môn Địa lý Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng,  độ khó của đề thi đã giảm

Số câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu tăng, chiếm khoảng 70%. Số câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao giảm so với năm trước, chiếm khoảng 30%.

Đặc trưng của môn Địa lý có 18 câu về kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, bảng số liệu và biểu đồ. Đây là những câu mà học sinh dễ lấy điểm. Mức phân hóa cao là ở các câu cuối của đề thi, thường thuộc phần địa lý tự nhiên và kỹ năng nhận xét biểu đồ bảng số liệu học sinh được học kỹ và ôn luyện trong học kỳ I. Để làm được những câu này, học sinh cần có năng lực đánh giá, phân tích, tổng hợp ở mức độ rất cao.

Đề cũng lồng ghép nhiều vấn đề trong cuộc sống ở những câu 70, 71… về biển đảo, hoạt động xuất nhập khẩu, thiên tai, đô thị hóa…

>>Đáp án Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Địa lý

Đề thi Lịch sử không dễ đạt điểm tối đa

Đánh giá về đề thi môn Lịch sử, nhiều giáo viên cho rằng, không dễ để đạt điểm tối đa trong môn thi này.

Cô Hà Thị Minh Trang, Trường Trung học phổ thông Ban Mai (Hà Nội) nhận xét: So với đề thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, đề thi môn Lịch sử vẫn không thay đổi về cấu trúc. Đề thi có một phần kiến thức học kỳ 2 của lớp 11 (gồm 1 câu lịch sử thế giới, 2 câu lịch sử Việt Nam).

Đề có khoảng 34/40 câu hỏi (chiếm 85%) là ở những phần kiến thức học sinh đã được học ở học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12. Cấu trúc ma trận đề bảo đảm tính phân hóa với 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 20% câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao. Độ khó ở 4 câu cuối đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh vào các trường Đại học.

Về ưu điểm, các câu hỏi đều tập trung vào đặc trưng của các sự kiện lịch sử, không có câu hỏi đánh đố học sinh hay hỏi về các mốc thời gian. Nội dung các câu hỏi cũng là những vấn đề rất quen thuộc với học sinh, đã xuất hiện nhiều trong các đề thi trước đó.

Tuy nhiên, câu hỏi trắc nghiệm trải dài kiến thức từ bài 1 đến bài 26 (sách giáo khoa lịch sử 12), nội dung kiến thức bài 25 (thuộc chương trình giảm tải) và bài 19 là không có trong đề thi tham khảo. Với mức độ yêu cầu như đề thi năm nay, phổ điểm sẽ từ 5-6 điểm.

Thầy Đặng Ngọc Tú – giáo viên Lịch sử Trường Trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) cũng cho rằng: Đề Lịch sử không dễ để học sinh đạt điểm tối đa. Nội dung đề thi đảm bảo kiến thức cơ bản, đi từ dễ đến khó, đủ 4 mức độ, theo trình tự sắp xếp câu hỏi trong đề. Tuy nhiên, bố cục kiến thức không sắp xếp theo trình tự kiến thức của sách giáo khoa là yếu tố khiến học sinh cần tập trung tư duy và đọc rất kỹ đề khi làm bài. Với đề thi này, dự đoán, phổ điểm chủ yếu đạt trung bình, sẽ không có nhiều điểm tối đa.

>>Đáp án Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Lịch sử

Đề Giáo dục công dân: Nhiều câu hỏi tình huống hay

Với môn Giáo dục công dân, theo nhiều giáo viên, cách ra đề năm nay, học sinh dễ kiếm điểm cao, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể đạt được 8 điểm.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu (Hà Nội) nhận xét: Đề Giáo dục công dân bám sát với ma trận đề thi minh họa lần 2 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Đặc biệt, có nhiều câu vận dụng hay, bám sát vấn đề thực tiễn, giúp học sinh có thêm kĩ năng và hiểu biết để giải quyết những tình huống phát sinh trong đời sống hàng ngày cho chính mình và những người xung quanh. Ví dụ như câu 113 (vấn đề phòng chống cháy nổ); câu 118 (về tiếp sức mùa thi); câu 111 (xuất phát từ 1 sự việc có thật được báo chí phản ánh về nêu gương học sinh lớp 7 chủ động dọn rác tại miệng cống thoát nước).

Cô giáo Nguyễn Thị Hà Tuyên, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ - Hà Nội đánh giá: Cấu trúc đề thi rõ ràng. Những câu hỏi vận dụng mang tính thực tiễn cao, cập nhật được tình hình thực tế của đất nước.

Phần kiến thức trong đề thi tập trung chủ yếu ở kiến thức lớp 12, chỉ có 1 số câu hỏi của chương trình lớp 11 nhưng đều là những câu hỏi có tính thực tiễn rất gần với các em. Khi các em làm đề sẽ có những câu hỏi cũng như những câu tình huống rất đời thường mà đôi lần các em gặp và giải quyết.

Mức độ phân hóa của đề năm nay khá cao, từ câu 81 đến câu 109 là những câu hỏi nhận biết và thông hiểu. Từ câu 110 đến 120 là những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Để làm tốt những câu hỏi này, các em học sinh sẽ phải đọc kỹ và cần có sự phân tích cũng như vận dụng kiến thức đã học để lựa chọn được câu trả lời đúng. Vì vậy, học sinh muốn đạt điểm 10 cũng không dễ.

Theo cô Tuyên, trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội thì môn Giáo dục công dân luôn được học sinh đánh giá là đề “gỡ điểm” cho 2 môn còn lại vì kiến thức rất sát với thực tiễn, đều là kiến thức về kinh tế - pháp luật, rất gần gũi với học sinh. Chính vì vậy, việc học và ghi nhớ của các em cũng dễ và thuận lợi hơn so với các bộ môn khác./.

>>Đáp án Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 Giáo dục công dân

>>>Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và gợi ý đáp án Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 các môn cập nhật liên tục TẠI ĐÂY.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục