Kỳ vọng lớn vào cơ hội hợp tác từ CPTPP

15:58' - 12/11/2018
BNEWS Các đại biểu Quốc hội cùng cử tri cả nước đều quan tâm và thể hiện kỳ vọng to lớn vào cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư… khi tham gia Hiệp định này.
Chiều ngày 12/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với tỷ lệ tán thành 96,7%. Các đại biểu Quốc hội cùng cử tri cả nước đều quan tâm và thể hiện kỳ vọng to lớn vào cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư… khi tham gia Hiệp định này.

Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Chính phủ và Quốc hội đã thảo luận và bàn bạc qua nhiều kỳ họp về cơ hội do CPTPP mang lại, cũng như những thách thức đặt ra. Nhưng bên cạnh niềm vui là không ít lo lắng về việc biến những cơ hội ấy trở thành hiện thực từ kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Điều này cũng đặt ra một loạt các yêu cầu cần giải quyết khi Hiệp định dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định “Việc ký kết và phê chuẩn CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước vì lợi ích của nhân dân. Nhưng việc quan trọng hơn là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa và mang lại nhiều cơ hội thành công hơn nữa”.

Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Với quan điểm, cần xây dựng một Chương trình hành động để thực hiện lộ trình gia nhập CPTPP một cách hiệu quả, an toàn và chủ động, nhiều đại biểu Quốc hội bình luận, Chính phủ cần chủ động có đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả; phát huy hết các cơ hội khi gia nhập và tránh các rủi ro. Đồng thời, cần tận dụng tối đa việc liên kết toàn diện về kinh tế, môi trường, đào tạo, giáo dục, sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt bảo đảm quyền của công nhân và người lao động. Cơ bản nhất là giữ vững chủ quyền quốc gia, để không bị lệ thuộc.

Đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn Lào Cai cho rằng, để đảm bảo tính linh hoạt, Chính phủ nên có cơ chế tập trung xử lý những vấn đề phát sinh khi có Hiệp định, kể cả những vấn đề tranh chấp. Do đó, cần nắm vững thị trường và dự báo những diễn biến có thể xảy ra, tránh thua thiệt. Cùng với đó, cần coi trọng tuyên truyền đến toàn xã hội về Hiệp định, đặc biệt đến các doanh nghiệp về những cam kết mới khi CPTPP có hiệu lực.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chương trình hành động của Chính phủ cần bao gồm một số việc như: Phải rà soát và xây dựng tất cả các phương án có thể để thực thi Hiệp định một cách chủ động các cam kết. Đồng thời phải tổ chức đánh giá tác động, tham vấn các đối tượng liên quan để nhận diện và cân đong đo đếm được các tác động của từng phương án thực thi. Cần cân nhắc cả những gì được - mất nếu vi phạm cam kết.

Chương trình hành động cũng phải tính tới các phương án thực thi theo từng giai đoạn, để vừa với sức vươn lên của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các cam kết.

Thêm nữa Chương trình hành động thực thi Hiệp định cũng cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn... Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại, ông Lộc khuyến nghị.

Từ kinh nghiệm của thực thi WTO và các FTA trước đây, Chương trình hành động của Chính phủ cần tập trung vào ba nhóm hỗ trợ: Một là, do văn kiện CPTPP là sản phẩm của các nhà chính trị và kỹ trị, nên bao giờ cũng quá phức tạp, hàn lâm và kỹ thuật, nên doanh nghiệp khó có thể đọc mà hiểu được ngay và hiểu đúng để vận dụng một cách có hiệu quả. Do đó, Chính phủ và Đoàn đàm phán cần có đầu mối chính thức để hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp về nội dung của các cam kết.

Hai là, trong mọi kế hoạch rà soát, nội luật hóa các cam kết hoặc xây dựng pháp luật liên quan tới Hiệp định, các bộ, ngành cần phải tham vấn rộng rãi và thực chất với cộng đồng doanh nghiệp.

Ba là, cần thiết lập một đầu mối chính thức để tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xử lý các bất đồng về cách thức diễn giải trong quá trình áp dụng trực tiếp các cam kết cũng như các quy định nội luật hóa Hiệp định.

Để thích ứng với tình hình mới, đại biểu Nguyễn Chiến, Đoàn Hà Nội khuyến nghị, để thực thi các cam kết của Hiệp định một cách hiệu quả, đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp mà kể cả các cơ quan quản lý phải nắm bắt các quy định cụ thể, những thể chế pháp luật trong nước và các thông lệ quốc tế liên quan tới quá trình áp dụng luật.

Lần này, các doanh nghiệp cần phải quan tâm tới hành lang pháp lý để tạo cơ hội cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, nâng cao các điều kiện tự thân và tăng cường nội lực để tham gia vào một sân chơi rộng lớn và nhiều áp lực như CPTPP. Các vấn đề năng lực của người lao động, về chính sách bảo hộ, bản quyền... gắn với sự phát triển và hoạt động bền vững của doanh nghiệp cũng cần được lưu ý nhiều hơn.

Có thể thấy rằng CPTPP là một Hiệp định tiêu chuẩn cao nhất từ trước tới nay, nên Chương trình hành động thực thi Hiệp định này cũng phải đạt tới những chuẩn mực cao nhất. Nỗ lực xuyên suốt sẽ quyết định thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao. Đây cũng chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập mà Việt Nam đang hướng tới, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục