Làm cách nào để doanh nghiệp nắm vững và hiểu sâu hơn về Hiệp định RCEP?

15:14' - 05/11/2021
BNEWS Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện CIEM tổ chức hội thảo trực tuyến "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Những điều doanh nghiệp cần biết"

Ngày 5/11 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Reform - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo trực tuyến: "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Những điều doanh nghiệp cần biết". Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp cho doanh nghiệp và các đơn vị liên quan thông tin những nội dung cơ bản, cốt lõi của Hiệp định RCEP, cũng như các vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý khi thực thi Hiệp định này. 

Khai mạc sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, RCEP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

Hiệp định RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm 55% tổng thương mại của Việt Nam năm 2020; trong đó, xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%.

Cùng đó, đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Hiệp định RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19. Hiệp định nay mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch. 

Hiệp định RCEP cũng được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand (FTA ASEAN+) gồm 20 chương và 4 phụ lục, với nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+ và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có hoặc có quy định không đáng kể như thương mại điện tử, mua sắm công, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ ….

Với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định RCEP, trước hết doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, một khảo sát của VCCI được thực hiện hồi năm 2020 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Các cam kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như RCEP thường không dễ tìm hiểu do số lượng các cam kết đồ sộ, nội dung phức tạp.

Thời gian tới đây, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về cam kết của Hiệp định RCEP và hướng dẫn tận dụng Hiệp định này cho các ngành, lĩnh vực cụ thể với mức độ sâu hơn, chi tiết hơn, đầy đủ hơn để từng ngành, từng doanh nghiệp đều được chuẩn bị hành trang kỹ càng cho việc hiện thực hóa các cơ hội của FTA đầy tiềm năng này

Trình bày về những tác động RCEP dự kiến sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng ghi nhận một số dự báo về tác động kinh tế của RCEP trong so sánh với các FTA trước; dự báo các khía cạnh tác động của RCEP đối với kinh tế Việt Nam; dự báo ảnh hưởng của RCEP tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp  

Cũng tại hội thảo, Ban tổ chức giới thiệu Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)” – Ấn phẩm tóm tắt các cam kết cốt lõi của RCEP do VCCI biên soạn với sự hỗ trợ của Aus4Reform. 

Bản mềm Cẩm nang “Tóm lược Hiệp định RCEP” sẽ được đăng tải miễn phí trên www.trungtamwto.vn./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục