Lâm Đồng thông tin về nguyên nhân bò sữa chết hàng loạt

16:40' - 13/08/2024
BNEWS Ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng xác nhận, toàn bộ số bò sữa mắc bệnh tiêu chảy ở địa bàn tỉnh đều nằm trong số bò sữa được tiêm vaccine phòng bệnh viêm da.

Ngày 13/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức giao ban báo chí tháng 8. Tại cuộc họp liên quan đến các vấn đề “nóng” đang diễn ra trên địa bàn, ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng xác nhận, toàn bộ số bò sữa mắc bệnh tiêu chảy đều nằm trong số bò sữa được tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục và loại vaccine này lần đầu sử dụng tại Lâm Đồng.

 

Trước ý kiến người dân cho rằng nguyên nhân bò bị tiêu chảy dẫn tới chết có liên quan đến vaccine viêm da nổi cục bởi hầu hết bò bị bệnh, bò chết trước đó đều được tiêm vaccine, những con bò không tiêm đều khoẻ mạnh, ông Hoàng Sỹ Bích cho biết, nguyên nhân chính thức đang được các cơ quan chuyên môn khẩn trương xác định. Dự kiến trong tuần này sẽ có kết quả chính thức.

Ngay sau khi có kết quả chính thức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thông tin rộng rãi đến báo chí. Nếu nguyên nhân do vaccine gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng sẽ có văn bản đề nghị đơn vị cung cấp vaccine bồi thường cho người dân.

Liên quan đến loại vaccine được tiêm cho đàn bò sữa, ông Hoàng Sỹ Bích cho biết, việc tổ chức đấu thầu vaccine được triển khai đảm bảo quy định, vaccine tiêm cho bò đã được cơ quan chuyên môn phê duyệt sử dụng. Trước đó, loại vaccine này cũng đã được tiêm cho hơn 1.000 con bò sữa ở Long An và 1.000 bò sữa ở Thái Nguyên.

Loại vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục được tiêm cho đàn bò sữa ở Lâm Đồng là vaccine nhược độc đông khô NAVET-LPVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại Thuận An, tỉnh Bình Dương). Đây là lần đầu tiên loại vaccine này được triển khai tiêm ở tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2024, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) làm chủ đầu tư gói thầu mua sắm hóa chất phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2024 trị giá hơn 13,6 tỷ đồng; trong đó có vaccine, phòng bệnh viêm da, nổi cục trên trâu bò. Liên danh nhà thầu gồm 5 doanh nghiệp Navetco - Amavet - IVRD - Vetvaco - Cenpharco tham dự và trúng thầu.

Theo ông Hoàng Sỹ Bích, từ cuối tháng 7/2024 đã phát sinh bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng. Luỹ kế đến 16 giờ ngày 12/8/2024, đã có 5.350 con bò phát bệnh, 237 con bị chết.

Trong số đó, huyện Đơn Dương có 2.923 con phát bệnh, 172 chết; huyện Đức Trọng có 2.392 con phát bệnh, 63 chết; huyện Lâm Hà 35 con phát bệnh, 2 con chết. Chiều ngày 11/8/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã thông tin với báo chí việc tiêm vaccine viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco có sự ảnh hưởng đến bò bị bệnh tiêu chảy.

Ông Hoàng Sỹ Bích cho biết, hàng năm đều xảy ra dịch tiêu chảy trên đàn gia súc, nhưng việc dẫn tới hàng trăm con bò sữa bị chết như thời gian qua là lần đầu. Hiện tượng bò sữa chết bắt đầu xuất hiện từ ngày 26/7 ở xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương), sau đó xảy ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn 3 huyện.

Chủ trì buổi họp báo, ông Bùi Thắng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng khẳng định, trước những diễn biến của bệnh tiêu chảy làm hàng nghìn con bò bị bệnh, hàng trăm con đã chết gây thiệt hại cho người dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng khẳng định nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy trên bò sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục, Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị các cơ quan báo chí phản ánh khách quan, trung thực sự việc, tránh gây kích động tới người dân đang bị ảnh hưởng tâm lý vì thiệt hại tài sản sau vụ việc này.

Trước đó từ ngày 7/8/2024, phóng viên TTXVN đã tiên tục thông tin về tình hình bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò sữa ở vùng trọng điểm bò sữa của tỉnh Lâm Đồng. Vụ việc trên đang gây ảnh hưởng trầm trọng đến hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh. Bởi hầu hết các nông hộ này đều vay vốn ngân hàng để đầu tư cho đàn bò sữa với số vốn hàng tỷ đồng…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục