Một địa phương của Lâm Đồng đã điều trị ổn định bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa

17:07' - 12/08/2024
BNEWS Trong khi nhiều xã thuộc Lâm Đồng đang loay hoay chống lại bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa với gần 5.000 con bị bệnh thì huyện Lâm Hà đã điều trị xong bệnh này trên đàn bò sữa.

Trong khi các xã thuộc 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng đang loay hoay chống lại bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa với gần 5.000 con bị bệnh, trên 200 con bị chết, thì huyện Lâm Hà đã điều trị xong bệnh này trên đàn bò sữa.

Đáng chú ý, địa phương này là nơi tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục đầu tiên trong toàn tỉnh và có bò sữa chết sớm nhất. Nhưng đến nay, huyện mới chỉ có 2 con bị chết và số bò còn lại đã điều trị ổn định.

 

Có mặt tại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà sáng 12/8, phóng viên TTXVN chứng kiến đàn bò của ông Ngô Văn Vì, sinh năm 1962 ở thôn Hoàn Kiếm 3 đang rất khỏe mạnh, chỉ còn 1 con bò sữa nặng khoảng 400 kg đang trong giai đoạn phục hồi. Đây cũng là hộ chăn nuôi đầu tiên ở tỉnh Lâm Đồng có bò bị chết sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục. Sau khi có phương pháp tự điều trị phù hợp, cả đàn bò 21 con của ông hiện đã hoàn toàn khỏe mạnh.

Ông Ngô Văn Vì cho biết, ngày 9/7, gia đình nhận vaccine viêm da nổi cục do Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà cấp để tự tiêm. Sau khi tiêm cho 20/22 con bò trong đàn (2 con không tiêm do thiếu vaccine), cả đàn bò có biểu hiện ngơ ngơ, bỏ ăn, tụt sữa và tiêu chảy. Đến ngày 23/7, con bò sữa nặng khoảng 500 kg của gia đình ông đã bị chết.

Khi đó, gia đình không biết nguyên nhân do vaccine mà tưởng do cho bò ăn phải cỏ ướt nhiễm mưa đầu mùa nên không báo cho thú y xã mà tự mua thuốc kháng sinh về điều trị với chi phí 260.000 đồng/lọ. Đến nay, cả đàn bò đã trở lại bình thường, chỉ có 1 con chậm phục hồi, nhưng cũng không còn nguy hiểm.

 

Sáng 12/8, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành UBND xã Nam Hà xác nhận với phóng viên TTXVN, tại địa phương có 4 đàn bò sữa với tổng cộng 118 con. Từ ngày 9/7, xã nhận vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục từ Trung tâm nông nghiệp huyện về phân phát cho người dân tiêm phòng. Có 2 chủ trang trại tiêm phòng, một trại tiêm 43/50 con, trại còn lại tiêm 20/22 con.

Theo lãnh đạo xã Nam Hà và cán bộ thú y xã, sau khi tiêm từ 7-10 ngày thì bò có triệu chứng bỏ ăn, tiêu chảy. Hậu quả, đàn bò tiêm 43 con có 1 con chết vào ngày 4/8; đàn bò tiêm 20 con cũng có 1 con chết vào ngày 23/7. Những con bò được tiêm vaccine viêm da nổi cục đều bị bệnh.

Ông Lê Đức Trọng - nhân viên Thú y xã Nam Hà cho biết, toàn xã có 118 con bò sữa giống lai. Sau khi phát hiện bò sữa bị bệnh, 2 chủ hộ đã tự mua thuốc thú y về điều trị, đến nay toàn đàn đã khỏe trở lại. Đàn bò của 2 gia đình khác không tiêm vaccine thì không có biểu hiện gì.

Với kinh nghiệm 30 năm làm nghề thú y, ông Trọng kiến nghị cơ quan chức năng trước khi đưa 1 loại vaccine tới địa phương tiêm đại trà, cần tiêm khảo nghiệm trên 1 số cá thể. Khi không xảy ra phản ứng phụ nguy hiểm mới tổ chức tiêm đại trà cho gia súc của người dân.

Thể trạng của dòng bò sữa lai là giống nhập ngoại, khác với giống bò vàng nội (còn gọi là bò cóc). Nhưng vaccine viêm da nổi cục mới cấp phát cho người dân mới chỉ khảo nghiệm trên giống bò vàng nội. Do đó, cần tiêm khảo nghiệm lại trước khi đưa vào tiêm đại trà trên bò sữa - ông Trọng nhận xét.

Theo ông Ngô Văn Vì, khi phát hiện bò mắc bệnh, gia đình đã mua thuốc kháng sinh tổng hợp, vitamin C, nước điện giải và thuốc bột cho bò uống theo hướng dẫn. Tuỳ vào sức khoẻ từng con bò mà pha liều lượng khác nhau. Có con chỉ ngày hôm sau đã giảm bệnh, nhưng cũng có con cả tuần sau mới ăn được, đi ngoài bình thường. Dần dần, đàn bò đã khoẻ mạnh trở lại, cho sữa bình thường, chỉ còn 1 con sức khoẻ hơi yếu.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Vì cho biết, gia đình không truyền nước như nhiều hộ dân ở hai huyện Đức Trọng, Đơn Dương áp dụng. Bởi truyền nước thẳng vào cơ thể bò có thể dẫn tới phản ứng trực tiếp. Thay vào đó, ông cho bò ăn thuốc bột, uống kháng sinh tổng hợp.

Toàn huyện Lâm Hà có 303 con bò sữa và bê giống bò sữa lai ở 2 xã Gia Lâm, Nam Hà, Liên Hà và 1 số xã khác. Tới thời điểm hiện tại, địa phương này đã tiêm vaccine viêm da nổi mụn trên 137 con bò của 4 gia đình. Phần lớn số bò sau khi tiêm đã tiêm bị bệnh, 2 con đã chết.

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng thông tin, cho đến thời điểm này, địa phương đã tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục là loại “Vaccine nhược độc đông khô NAVET-LPVAC” do Công ty CP thuốc thú y Trung ương NAVETCO đóng tại Bình Dương sản xuất cho 9.126 con bò sữa và bê, chiếm 37,3% tổng đàn bò sữa toàn tỉnh.

Tuy nhiên, sau đó đã có gần 5.000 con bò sữa và bê giống này mắc bệnh sau khi tiêm vaccine; trong đó, 214 con đã chết. Số đã chết tập trung tại 7 xã thuộc 3 huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. Hiện diễn biến dịch bệnh tại 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng là vùng trọng điểm bò sữa của tỉnh Lâm Đồng đang diễn ra hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục