Làm gì để giải quyết nợ đọng thuế?

14:49' - 20/07/2018
BNEWS Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, ngành thuế cần có bước chuyển biến tích cực trong việc giải quyết nợ đọng về thuế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, ngành thuế cần có bước chuyển biến tích cực trong việc giải quyết nợ đọng về thuế. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra ngày 20/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, ngành thuế cần có bước chuyển biến tích cực trong việc giải quyết nợ đọng về thuế.

Theo Thứ trưởng, giải pháp xử lý nợ đọng thuế được coi là trọng tâm của các cơ quan quản lý thuế. Theo đó, các cục thuế cần phải có đề án về xử lý nợ đọng thuế, đồng thời cần có đăng ký với Tổng Cục Thuế và Bộ Tài chính về mức độ triển khai xử lý nợ đọng thuế.

Đồng thời, từ nay đến cuối năm, ngành thuế phải triển khai quyết liệt nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; trong đó, ngành thuế thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm.

Cụ thể, ngành tập trung vào các lĩnh vực còn thất thu như: thanh tra hoạt động chuyển nhượng vốn, giao dịch liên kết, thương mại điện tử, khai thác khoáng sản. Ngành thuế cũng tiếp tục chống thất thu đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ cá nhân kinh doanh theo Chỉ thị số 26/CT- TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu tối thiểu 18,5% số doanh nghiệp đang hoạt động phải được thanh, kiểm tra theo kế hoạch.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, ngành thuế đã triển khai đầy đủ các biện pháp quản lý nợ đã đề ra từ đầu năm góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, phấn đấu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu năm 2018. Số tiền thuế nợ tài thời điểm 31/12/2018 giảm so với thời điểm 31/12/2017.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế các cấp đã chủ động tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo các ngành trên cùng địa bàn phối hợp với cơ quan thuế duy trì các tổ liên ngành thu hồi nợ đọng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế cho người nộp thuế để nâng cao tính tuân thủ, khuyến khích tự nguyện, tự giác của người nộp thuế trong việc thực hiện các quy định nộp thuế.

Về phía Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2018 đến từng đơn vị, từng công chức, lãnh đạo; chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Tính đến 30/6/2018, các Cục Thuế đã đôn đốc, thu hồi được 17.944 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 43,1% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2017; trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 12.633 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 5.311 tỷ đồng.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, để việc quản lý nợ thuế đạt hiệu quả cao, Cục Thuế thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn, thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế theo quy định; tham mưu cơ chế chính sách, từ đó doanh nghiệp đang nợ thuế có khó khăn về sản xuất kinh doanh tiếp tục bán được hàng và có dòng tiền để thu thuế.

Ngành thuế thành phố sẽ bám sát doanh nghiệp ngay từ khi đến kỳ kê khai thuế, không để nợ đọng ở khâu này; chặn nợ dưới 90 ngày đối với doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh có dòng tiền và kịp thời thu hồi nợ; đồng thời tham mưu UBND các cấp trong việc chỉ đạo triển khai có hiệu quả Ban chỉ đạo đôn đốc nợ thành phố và tại 30 quận huyện, thị xã.

Với các giải pháp quyết liệt, tổng số nợ đọng thuế trên dưới 90 ngày của thành phố Hà Nội đã giảm 4,36% so với 31/12/2017; việc cưỡng chế nợ đọng thuế được thực hiện đúng quy định; công khai thông tin về doanh nghiệp, tổ chức nợ đọng thuế được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Cho biết thêm về các giải pháp xử lý nợ đọng thuế, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Lãnh đạo Tổng cục Thuế đã báo cáo với Bộ để trình báo cáo lên Chính phủ và Quốc hội về các biện pháp xử lý nợ đọng về thuế, sau khi các cơ quan có thẩm quyền có văn bản và có nghị quyết thông qua về nội dung này Bộ Tài chính sẽ có các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống, nhằm tạo sự thống nhất.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị, ngành thuế cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện dự toán thu đã được Quốc hội và Chính phủ giao, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán đã được giao.

“Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu ngành thuế phải thu vượt dự toán thu là 5%, đây là con số lớn. Theo tính toán, để đạt được mức dự toán này mỗi ngày làm việc, ngành thuế phải thu khoảng 4.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà chia sẻ.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng yêu cầu ngành thuế cần tiếp tục tập trung rà soát các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thông tư, cũng như các quy trình nghiệp vụ để giải quyết khó khăn vướng mắc ở địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ cho người nộp thuế, đồng thời cũng là góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Để giải quyết việc này, theo Thứ trưởng cần đi từ Luật Quản lý thuế. Hiện nay Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đưa vào chương trình để trình Quốc hội.

“Tinh thần là đã ban hành luật thì cần phải có khả năng thực thi cao và minh bạch rõ ràng, phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong việc quản lý thuế”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng đề nghị ngành thuế tiếp tục xây dựng dự toán của ngân sách năm 2019 và kế hoạch trung hạn 2019 – 2011.

Trên cơ sở thực hiện năm 2018, ngành thuế cần xây dựng kế hoạch năm 2019 sát với thực tế, tránh tình trạng có địa phương nhiều năm không hoàn thành dự toán. Việc dự toán sát là việc rất quan trọng, muốn vậy cần phải quản lý chắc đối tượng nộp thuế và có cơ sở để xác định dự toán một cách khoa học, có tính khả thi, Thứ trưởng Trần Xuân Hà lưu ý.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 531.520 tỷ đồng, bằng 49,7% so với dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ; trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 29.565 tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán, tăng 25,3%.

Thu nội địa ước đạt 496.782 tỷ đồng, bằng 48% so với dự toán, tăng 12% so với cùng kỳ.

Để chống thất thu ngân sách, ngành thuế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra thất thu ngân sách nhà nước. Trong 6 tháng năm 2018, cơ quan thuế các cấp đã thanh, kiểm tra được 30.189 doanh nghiệp, đạt 33,84% kế hoạch năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 5.764,8 tỷ đồng. Hiện, số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.615,3 tỷ đồng, đạt 45,37% số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục