Làm gì để vụ mía 2019-2020 không “đắng”?

10:59' - 29/04/2019
BNEWS Niên vụ mía 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được được 8.611ha, với các giống mía phổ biến như ROC 16, K88 - 92, KK3, các giống khác.

Vừa trải qua một niên vụ mía thua lỗ, Hậu Giang phải làm gì để vụ mía mới này không “đắng”?

* Giảm diện tích

Ông Trần Văn Em ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh cho biết niên vụ mía 2018 – 2019, gia đình trồng 0,5 ha mía bị lỗ mấy chục triệu đồng. Gia đình ông đã trồng lúa mấy chục năm không có lãi, nên chuyển sang trồng mía, nhưng ngay vụ mía đầu tiên đã lỗ. Thấy sản xuất mía đường khó khăn, niên vụ mía 2019 – 2020 gia đình ông chỉ để lại 0,1 ha trồng mía, còn lại chuyển sang trồng cam.

Nhiều gia đình ở Hậu Giang trồng lúa mấy chục năm không có lãi, nên chuyển sang trồng mía cho hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: TTXVN

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Thúy ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp trồng gần 1 ha mía trong nhiều năm qua. Nhưng niên vụ mía 2018 – 2019 bị thua lỗ nặng nề, do giá mía xuống thấp. Gia đình chưa biết chuyển sang trồng cây gì nên tiếp tục trồng mía, hy vọng đầu ra gặp thuận lợi. Nhưng ngay từ đầu niên vụ mới này có thông tin nhà máy đường không tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu, gia đình bà bỏ trồng mía.

Do vụ niên mía 2018-2019 vừa qua, nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh không có lợi nhuận vì giá bán mía thấp. Đồng thời, dự báo tình hình sản xuất của niên vụ 2019-2020 không mấy sáng sủa trước sự khó khăn của ngành mía đường, vì vậy đã có không ít bà con bỏ cây mía để chuyển sang trồng những loại cây khác.

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã giảm diện tích trồng mía gần 2.000ha; trong đó huyện Phụng Hiệp là địa phương có diện tích mía giảm nhiều nhất.

Ông Nguyễn Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết, vụ vừa qua Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) ký hợp đồng bao tiêu mía với giá sàn là 800 đồng/kg, nhưng trên thực tế nông dân bán mía dao động ở mức 750-830 đồng/kg. Giá bán thấp đã khiến nhiều bà con trồng mía trên địa bàn huyện bị thua lỗ từ 1,5-3,5 triệu đồng/công sau khi thu hoạch.

Chán nản với tình cảnh lỗ, nên vụ mía này bà con đã bỏ gần 833ha mía để chuyển sang trồng cây khác. Vì vậy, diện tích mía đã xuống giống của huyện chỉ còn 6.695ha. Tình cảnh giá bao tiêu ở mức thấp sẽ rất khó cho địa phương trong việc giữ diện tích và khả năng vùng mía sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, giá thành sản xuất mía của nông dân trên địa bàn huyện ở mức 756 đồng/kg, riêng những hộ nằm trong câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) cũng ở mức 705 đồng/kg. Nên vùng mía tại địa bàn mong muốn được ký kết hợp đồng bao tiêu với nhà máy đường giá từ 800 đồng/kg.

* Thay đổi chính sách đầu tư, bao tiêu

Ông Lê Hồng Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, công ty đã nghiên cứu, xây dựng chính sách đầu tư bao tiêu mía niên vụ 2019-2020 để phối hợp với các cấp chính quyền, nông dân Hậu Giang nhằm thúc đẩy sản xuất mía đường, gia tăng tính cạnh tranh khi hội nhập.

Công ty thực hiện thí điểm đầu tư trực tiếp cho nông dân trồng mía, nhằm giúp bà con giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía. Đối với diện tích mía chưa thể đầu tư được thì Casuco cũng sẽ tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu có giá bảo đảm để nông dân an tâm sản xuất.

Casuco sẽ chọn 400 ha để thực hiện thí điểm làm vùng nguyên liệu của nhà máy bằng cách hỗ trợ phân bã bùn để bà con cải tạo đất, hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, định mức ứng trước vốn vay về giống, phân bón…

Cùng đó, Casuco sẽ ký hợp đồng bao tiêu 6.670 ha vùng mía nguyên liệu, trong tổng diện tích hơn 8.600 ha mía của tỉnh Hậu Giang, với giá bảo hiểm tại ruộng là 700 đồng/kg, mía sạch đạt 10 chữ đường.

Còn theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Casuco, theo chu kỳ hai năm một lần ngành đường rơi vào hoàn cảnh điêu đứng với lượng đường dư thừa và sau đó sẽ hồi phục. Đó là niên vụ mía 2017 – 2018 và 2018 – 2019 là 2 năm khủng hoảng lượng đường thừa.

Nên dự báo, sản lượng đường thế giới trong niên vụ 2019-2020 sẽ sụt giảm, bởi nông dân châu Âu đang chuyển từ sản xuất củ cải đường sang các loại nông sản khác có lợi nhuận cao hơn; hay Brazil chuyển hướng thu hoạch mía sang sản xuất ethanol…

Lượng đường trong nước cũng đã giảm khoảng 20%. Cụ thể, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, niên vụ mía 2019-2020, thống kê sơ bộ diện tích mía thực tế ở nhiều địa phương đã giảm mạnh. Như ở Hậu Giang được xem là "thủ phủ" về cây mía trong vùng, với ba nhà máy đường, cũng giảm gần 2.000 ha so cùng kỳ.

Cùng với đó, số nhà máy đường trong vùng cũng đã giảm từ 10 xuống còn 5 nhà máy hoạt động... Đây là những dấu hiệu để tin tưởng giá đường sẽ sớm phục hồi. Từ đó, tùy tình hình thị trường tại thời điểm thu mua, Casuco sẽ thông báo giá và có chính sách thu mua cụ thể, bảo đảm không thấp hơn giá bảo hiểm đã ký kết với bà con.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh đang tập trung khắc phục hai yếu điểm của cây mía là sản xuất mía còn thủ công, chưa được cơ giới hóa và chưa phát huy tối đa liên kết hoạt động hợp tác trong tổ chức sản xuất để hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Tỉnh sẽ đôn đốc, chỉ đạo thực hiện thí điểm đầu tư trực tiếp cho nông dân trồng mía, nhằm hướng đến xây dựng mô hình sản xuất mía với giá thành dưới 500 đồng/kg để nhân rộng./. 

Xem thêm:

>>Liên tiếp thua lỗ, vùng mía nguyên liệu Trà Vinh ngày càng bị thu hẹp

>>Sử dụng sai mục đích, Công ty Mía đường Tây Nam bị thu hồi 30ha đất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục