Làm giàu từ cây vải thiều trên đất Tây Nguyên

20:29' - 31/05/2017
BNEWS Anh Hải mong muốn cây vải thiều sẽ mở ra hướng đi mới, giúp người dân địa phương thoát nghèo bền vững.

Nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Đỗ Công Hải, sinh năm 1986, ngụ thôn 2, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, đã thành công nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng vải thiều trên đất Tây Nguyên.

Anh Đỗ Công Hải chăm sóc vườn vải chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Anh Hải mong muốn cây vải thiều sẽ mở ra hướng đi mới, giúp người dân địa phương thoát nghèo bền vững.

Năm 2012, anh Đỗ Công Hải tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Nha Trang. Sau vài năm sinh sống và làm việc tại Khánh Hòa, năm 2015, anh trở về quê hương lập nghiệp.

Vốn là vùng sỏi đá nên nhiều loại cây trồng đã thất bại trên mảnh đất Ea Sar, vì vậy cái nghèo vẫn đeo bám con người nơi đây. Những năm gần đây, gia đình anh Đỗ Công Hải cũng như nhiều bà con trong xã đã chuyển đổi một phần diện tích đất sang trồng vải thiều với mong muốn thoát nghèo.

Anh Hải nhớ lại: Khi trở về quê hương lập nghiệp cũng là lúc vườn vải của gia đình anh đang đứng trước khó khăn, năng suất bị sụt giảm do thời tiết vùng Tây Nguyên diễn biến phức tạp. Trong khi chưa tìm được con đường mới để khởi nghiệp, anh Hải thử tìm hiểu về phương pháp canh tác cây vải nhằm cải thiện sản lượng vườn cây của gia đình.

Qua quá trình tìm hiểu, anh Hải nhận thấy cây vải không kén đất, có thể phát triển tốt trên đất kém dinh dưỡng và cho năng suất ổn định. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, nắm được phương pháp điều chỉnh quá trình sinh trưởng của cây, cho cây ra hoa, đậu quả theo đúng mùa vụ. Người trồng vải cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để điều chỉnh sự phát triển của cây vải thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo anh Hải, cây vải ưa lạnh nên việc duy trì nhiệt độ ổn định là một trong những điều kiện quan trọng cho cây phát triển. Để làm được điều này, anh Hải đã lắp đặt hệ thống theo dõi nhiệt độ và phun sương tự động nhằm điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong vườn cây…

Ngoài ra, để duy trì được năng suất và chất lượng trái vải, cần nắm được nhịp sinh trưởng của cây, từ đó có phương pháp điều tiết chất dinh dưỡng cho cây tùy từng thời điểm. “Nếu như làm tốt khâu này, đảm bảo cây vải sẽ cho năng suất cao và ổn định”, anh Hải cho biết.

Mặc dù chỉ tiếp cận với cây vải trong thời ngắn nhưng bằng quyết tâm và tinh thần học hỏi, anh Đỗ Công Hải đã nắm vững phương thức canh tác cây vải trên đất kém dinh dưỡng, áp dụng kỹ thuật điều khiển nhịp sinh trưởng của cây để phù hợp với thời tiết vùng Tây Nguyên.

Mùa vụ năm 2017, với gần 1 ha vải kinh doanh, gia đình anh Hải thu hoạch gần 20 tấn vải, được thương lái mua tại vườn với giá 50.000 đồng/kg, trừ chi phí và nhân công, gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hải còn tạo việc làm thời vụ cho khoảng 30 lao động, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Hải mong muốn phát triển vườn vải của gia đình đúng với quy chuẩn vườn cây ăn quả chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó đưa cây vải trở thành cây trồng chủ lực trên vùng đất sỏi đá tại quê nhà, mở ra hướng đi mới giúp bà con thoát nghèo.

Theo anh Hải, bà con nơi đây vẫn trồng vải theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, nhiều vườn vải không duy trì được năng suất, dễ bị thương lái ép giá. Để cây vải trở thành thương hiệu của tỉnh Đắk Lắk, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường tiêu thụ, cần thiết có sự liên kết giữa những người trồng vải.

Chỉ có liên kết những người trồng vải, thống nhất khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, phương thức canh tác, mới duy trì được sản lượng và đảm bảo chất lượng trái vải, đây cũng là hướng sản xuất bền vững.

Anh Hải sẵn sàng chia sẻ cây giống, kỹ thuật canh tác cho các hộ có nhu cầu chuyển đổi cây trồng. Trong tương lai, anh sẽ liên kết những hộ dân để thành lập hợp tác xã, đưa trái vải mang thương hiệu Đắk Lắk đến với người dân khắp mọi miền đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục