Lạm phát "ghìm chân" lãi suất ​

09:30' - 03/05/2024
BNEWS Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và các nhà đầu tư, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản trong lần thứ năm liên tiếp.

Triển vọng đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu mờ mịt được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới quyết định mới nhất này.

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 5,25% - 5,5%, vốn được duy trì từ tháng 7/2023 và là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này trong hơn 20 năm qua.

 

Tuyên bố sau cuộc họp, các quan chức FOMC nhấn mạnh tới sự thiếu tiến triển trong lộ trình giảm lạm phát, đồng thời khẳng định Fed không vội vàng tính tới kịch bản giảm lãi suất cho tới khi nhận thấy lạm phát đang hạ nhiệt một cách bền vững về ngưỡng mục tiêu 2%. Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nhiều lần tuyên bố ngân hàng trung ương Mỹ chủ trương giữ lãi suất cao cho đến khi lạm phát hạ nhiệt dần về mức 2%/năm, chứ không mạo hiểm vội vàng cắt giảm lãi suất. Fed đạt tiến bộ đáng kể trong nỗ lực giảm lạm phát từ mức cao kỷ lục trong 40 năm hồi năm 2022.

Tuy nhiên, tiến trình này đã “giậm chân tại chỗ” trong năm nay khi lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao đáng báo động và thậm chí có nguy cơ đảo ngược, cùng với đó là giá các mặt hàng chủ chốt như nguyên liệu, xăng dầu đều tăng trong nửa cuối năm 2023. Chỉ số Chi phí việc làm (ECI), một thước đo tình hình thị trường lao động quan trọng, tăng 4,2% trong quý I/2024 và cao hơn mức mong đợi để giảm lạm phát. Bên cạnh đó, giá nhà đất tại hầu hết các bang cũng tăng trong mấy tháng đầu năm và trở thành cú sốc đối với nỗ lực giảm lạm phát về dài hạn của Fed.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của FOMC, Chủ tịch Powell thừa nhận lạm phát năm nay cao hơn dự báo của Fed, lên tới 2,7% hồi tháng 3 vừa qua, một phần vì chi tiêu tiêu dùng tăng trong vài quý gần đây bất chấp lãi suất cao. Ông một lần nữa nhấn mạnh rủi ro từ cả hai kịch bản, theo đó duy trì lãi suất cao quá lâu có thể làm suy yếu nền kinh tế, nhưng nới lỏng quá vội vàng có thể khiến lạm phát tăng trở lại. Tâm lý thận trọng này phản ánh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách của Fed khi quyết định thêm một lần “án binh bất động” về lãi suất.

Chuyên gia Stephen Rich, Giám đốc điều hành Quỹ Mutual of America Capital, đánh giá: “Fed giữ nguyên lãi suất cho thấy ưu tiên và quyết tâm hạ nhiệt lạm phát, song việc trì hoãn cắt giảm lãi suất sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới ngân sách của người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp.

Chi phí hàng hóa và dịch vụ hiện nay, như thực phẩm và khí đốt, đều cao hơn đáng kể so với trước đại dịch COVID-19 và điều này đang trực tiếp gây áp lực lên tài khoản ngân hàng của người dân Mỹ”. Chia sẻ quan điểm trên, ông Ernie Tedeschi, Giám đốc kinh tế tại Yale Budget Lab, nêu rõ lãi suất cao có thể không ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực dịch vụ nhưng sẽ là trở ngại đáng kể với những người đang có kế hoạch vay tiền mua nhà hay ô tô.

Viễn cảnh ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất xuống dưới ngưỡng 5,25% - 5,5% trong ngắn hạn cũng khá mờ mịt. Chủ tịch Powell đã từ chối trả lời câu hỏi liệu Fed có hiện thực hóa lộ trình giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 như từng đề cập hồi đầu năm hay không. Thay vào đó, người đứng đầu Fed khẳng định các quan chức FOMC muốn thấy tiến triển vững chắc trong nỗ lực kéo lạm phát về 2% trước khi quyết định nới lỏng dòng tiền.

Theo ông Powell, khả năng Fed giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6 tới là rất thấp. Thống đốc Fed Michelle Bowman, người được đánh giá là tiếng nói cứng rắn nhất trong FOMC, thậm chí còn tuyên bố bà ủng hộ tiếp tục tăng lãi suất nếu cuộc chiến chống lạm phát không có tiến triển hay bị đảo ngược.

Ông Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cho rằng “kiên nhẫn và kiên nhẫn” dường như đang là khẩu hiệu của Fed trong bối cảnh nguy cơ không thể đạt mục tiêu giảm lạm phát một cách bền vững đang tăng lên mỗi tuần. Giới quan sát và đầu tư tại Phố Wall cũng ít nhiều hụt hẫng sau quyết định của Fed, một bước đi khác xa với kỳ vọng hồi đầu năm rằng ngân hàng này sẽ thực hiện tới 6 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Theo công cụ FedWatch của CME, chỉ có 42,4% khả năng Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9 tới, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm, và đó sẽ là đợt giảm lãi suất duy nhất trong năm nay.

Song song với việc giữ nguyên lãi suất, sau cuộc họp chính sách lần này, Fed cũng có động thái được nhìn nhận là xoa dịu thị trường, khi tuyên bố giảm tốc độ thắt chặt định lượng (hay còn gọi là thu hẹp bảng cân đối kế toán). Theo đó, từ ngày 1/6 tới, mỗi tháng Fed chỉ để tối đa 25 tỷ USD trái phiếu chính phủ đáo hạn mà không tái đầu tư, giảm từ mức từ 60 tỷ USD hiện nay. Fed vẫn giữ nguyên mức 25 tỷ USD đối với chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp. Bước đi này nhằm đảm bảo hệ thống tài chính của Mỹ không thiếu nguồn dự trữ, giảm nguy cơ căng thẳng và biến động thị trường như từng xảy ra vào năm 2019 khi Fed thắt chặt định lượng.

Dù vậy, việc Fed giảm tốc độ thắt chặt định lượng không đồng nghĩa đây là tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ. Kết quả cuộc chiến chống lạm phát vẫn là yếu tố quyết định ảnh hưởng tới kế hoạch giảm lãi suất của Fed. Chuyên gia Whitney Watson, đồng Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs Asset Management, cho biết “giới đầu tư kỳ vọng xu thế giảm lạm phát chỉ bị chậm lại, chứ không trật bánh và việc giảm dần thắt chặt định lượng chỉ giúp tăng khả năng thanh khoản trong hệ thống tài chính, chứ không phải là một sự thay đổi về đường lối của Fed”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục