Lạm phát khiến số hộ gia đình Anh phải cắt giảm khẩu phần ăn

17:35' - 09/05/2022
BNEWS Giá cả leo thang đã khiến số hộ gia đình phải cắt giảm khẩu phần ăn hoặc bỏ bữa tăng trên 50% trong vòng ba tháng qua, ảnh hưởng đến một phần bảy số hộ gia đình ở Vương quốc Anh.

Theo nghiên cứu của tổ chức từ thiện Food Foundation, khoảng 7,3 triệu người trưởng thành đang sống trong các hộ gia đình buộc phải cắt giảm lượng lương thực, thực phẩm mua trong tháng 4/2022 hoặc bỏ bữa mặc dù đói, tăng 57% so với tháng 1/2022.

 

Nghiên cứu của Food Foundation được thực hiện trên cơ sở phân tích kết quả thăm dò trong tháng 4/2022 của YouGov đối với 10.000 người trưởng thành tại Anh.

Theo đó, trên 1/10 số hộ gia đình, tương đương 6,8 triệu người trưởng thành, đã có bữa ăn nhỏ hơn bình thường hoặc phải bỏ bữa vì không đủ khả năng hoặc không thể tiếp cận thực phẩm.

Cũng trong khoảng thời gian này, gần 5% hộ gia đình, tương đương 2,4 triệu người trưởng thành, đã không ăn trong cả ngày.

Anna Taylor, Giám đốc Food Foundation, cho biết: “Tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng cực kỳ nhanh chóng kể từ tháng 1/2022 cho thấy tình trạng thảm khốc đối với các gia đình…”.

Bà Anna Taylor cũng cho rằng tình hình đang nhanh chóng chuyển từ khủng hoảng kinh tế sang khủng hoảng sức khỏe.

Các ngân hàng lương thực không thể giải quyết vấn đề này và rằng chính phủ cần phải nhận ra rằng con thuyền đang chìm dần đối với nhiều hộ gia đình.

Food Foundation còn dự báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực sẽ còn gia tăng thực khi giá năng lượng và Bảo hiểm Quốc tăng.

Tổ chức này kêu gọi chính phủ phải điều chỉnh các chính sách của mình để ngăn chặn tình trạng thiếu đói tại Anh tiếp tục xấu đi.

Ngày 5/5, Ngân hàng trung ương Anh đã đưa ra cảnh báo rằng nền kinh tế nước này sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm nay do giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát lên mức trên 10%.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng đã lên tiếng phản đối những lời kêu gọi tăng chi phúc lợi cho phù hợp với lạm phát.

Tuy nhiên, Food Foundation cho rằng chính phủ nên đảo ngược quyết định này, tăng phúc lợi xã hội cho phù hợp với lạm phát.

Các chương trình như bữa ăn miễn phí tại trường học và Khởi đầu lành mạnh, chương trình giúp các phụ nữ mang thai và bà mẹ có con nhỏ có thu nhập thấp có thể mua các loại thực phẩm và sữa có lợi cho sức khỏe, cũng nên được mở rộng.

Theo tổ chức này, chi phí sinh hoạt tăng cao có khả năng đẩy các hộ gia đình hướng tới "thực phẩm giá rẻ giàu calo và nghèo dinh dưỡng, làm tăng thêm tình trạng béo phì và các bệnh khác liên quan đến chế độ ăn uống"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục