Làm rõ 114 bất động sản đang thế chấp tại Ngân hàng Đại Tín

20:32' - 15/05/2018
BNEWS Hội đồng xét xử đã yêu cầu hai bị cáo Ngô Kim Huệ và Bùi Thị Kim Loan (là hai bị cáo được Hội đồng xét xử cho phép vắng mặt tại một số phiên làm việc vì lý do sức khỏe) tới phiên tòa để xét hỏi.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11/5. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Ngày 15/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) tiếp tục phần xét hỏi.

Theo kế hoạch, hôm nay Hội đồng xét xử đã yêu cầu hai bị cáo Ngô Kim Huệ và Bùi Thị Kim Loan (là hai bị cáo được Hội đồng xét xử cho phép vắng mặt tại một số phiên làm việc vì lý do sức khỏe) tới phiên tòa để xét hỏi. 

*Cựu thư ký bà Hứa Thị Phấn phủ nhận đã giúp sức 

Khai tại tòa, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên Kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, thư ký bà Hứa Thị Phấn) cho rằng, cáo trạng quy kết hành vi của bị cáo chưa chính xác. Bị cáo cho rằng mình chỉ làm kế toán của Công ty TNHH Phú Mỹ chứ không phải thư ký hay trợ lý cho bà Phấn. Bị cáo khẳng định không đưa các hồ sơ cho Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) và Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang) ký trong việc mua bán nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. 

Về việc giúp sức cho bà Phấn hạch toán thu chi khống, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 5.256 tỷ đồng, trước đó các bị cáo khác khai đã thông qua Loan nhận chỉ đạo làm các phiếu thu, phiếu chi khống, cấn trừ thu chi...Tuy nhiên, Loan cũng phủ nhận và cho rằng bị cáo không có chức vụ, quyền hạn gì nên không thể chỉ đạo gì các bị cáo khác. Bị cáo Loan cũng cho rằng, lời khai tại cơ quan điều tra có lúc đúng, có lúc sai vì thời điểm năm 2015 bị cáo mới sinh xong con thứ hai nên tinh thần lo sợ, hoang mang có những lời khai điều tra viên đọc cho bị cáo ghi. 

Chủ tọa cũng công bố biên bản ghi lời khai của bị cáo Bùi Thị Kim Loan và nhấn mạnh, bút lục hồ sơ cho thấy, các biên bản điều tra viên lấy lời khai, lời khai nào ghi không đúng bị cáo đều lấy viết sửa lại. Trong đó, bị cáo Loan khẳng định những việc làm của bị cáo là được Hứa Thị Phấn “yêu cầu” và bị cáo “yêu cầu” nhân viên Ngân hàng Đại Tín làm chứ không “chỉ đạo”. Còn việc thoả thuận vay mượn của Công ty Phương Trang với bà Hứa Thị Phấn, bị cáo không biết mà chỉ biết việc thỏa thuận vay mượn giữa hai bên diễn ra trong thời gian dài và đến nay vẫn chưa quyết toán xong. 

Bị cáo Ngô Kim Huệ thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo Ngô Kim Huệ khai rằng, Hứa Thị Phấn nhờ bị cáo thực hiện những hành vi này và thông qua Bùi Thị Kim Loan. Bị cáo Huệ cũng thừa nhận đứng tên giùm bị cáo Phấn để mua cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; xác nhận nhiều tài sản đứng tên của bị cáo đang bị kê biên nhưng tất cả các tài sản đều của Hứa Thị Phấn nhờ bị cáo Huệ đứng tên, chỉ có 16.000 cổ phần Ngân hàng HDBank là của bị cáo. Ngoài ra, theo bị cáo Ngô Kim Huệ, Công ty Phương Trang có vay tiền của Hứa Thị Phấn nhưng bị cáo không có bằng chứng. 

*Làm rõ 114 bất động sản đang thế chấp tại Ngân hàng Đại Tín 

Hội đồng xét xử triệu tập hai bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB) và Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) vì liên quan đến 114 bất động sản tranh chấp giữa Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh. Trong vụ án này, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kê biên 114 bất động sản này. Đây là những bất động sản nằm trong hợp đồng chuyển giao cổ phần Ngân hàng Đại Tín giữa nhóm Thiên Thanh do Phạm Công Danh đại diện với nhóm Phú Mỹ do Hứa Thị Phấn đại diện. 

Trả lời Hội đồng xét xử, Phạm Công Danh khai đã chuyển tiền tất toán toàn bộ dư nợ gốc của 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ là hơn 3.581 tỷ, đồng thời cho rằng, mình đã thực hiện hết các nghĩa vụ tài chính của hợp đồng nhưng Hứa Thị Phấn không giao 114 bất động sản. Bị án Phạm Công Danh khẳng định, bị cáo Hứa Thị Phấn đã lừa mình và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đòi lại số tiền bản thân đã trả cho Hứa Thị Phấn. 

Còn theo ông Phan Thành Mai, hợp đồng quy định là số tiền Phạm Công Danh trả theo từng đợt và bên Hứa Thị Phấn sẽ chuyển giao các tài sản tương ứng. Bên bà Phấn cam kết không có bất kỳ tranh chấp nào với bên thứ ba liên quan đến những tài sản này. Cũng trong hợp đồng chuyển giao, ngoài khoản tiền 3.581 tỷ đồng là toàn bộ dư nợ gốc của 29 khoản vay thì còn hơn 1.260 tỷ là tiền lãi tính đến ngày 15/11/2017. Trước đó tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, bị cáo Hứa Thị Phấn (lúc này tham gia với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan) khai rằng 114 bất động sản nói trên đang thế chấp tại Ngân hàng Đại Tín, không thể chuyển giao do ông Danh chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính. 

Ngoài ra cũng tại phiên tòa hôm nay, trả lời Hội đồng xét xử, giá trị của 44 bất động sản đang thế chấp tại Ngân hàng Đại Tín, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang cho biết tính theo giá thị trường thì giá trị những bất động sản hiện có giá từ 14.000 đến 15.000 tỷ đồng. Còn đại diện Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) xác nhận yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang và nhóm các tổ chức, cá nhân có quan hệ làm ăn với Phương Trang phải trả các gốc và lãi cho các khoản vay là hơn 27.220 tỷ đồng. 

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng CB còn yêu cầu giao các tài sản đảm bảo cho các khoản vay này cho Ngân hàng quản lý và phát mãi để thu hồi nợ. Hội đồng xét xử yêu cầu đại diện Ngân hàng CB nộp các yêu cầu của mình bằng văn bản chính thức của ngân hàng cho Hội đồng xét xử vào sáng mai (16/5)./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục