Làm rõ các nội dung chưa thấu đáo trong dự thảo Luật PPP

12:36' - 06/05/2020
BNEWS Nhiều nội dung liên quan đến các chủ thể, quyền và nghĩa vụ , những vướng mắc, tranh chấp, xử lý sai phạm chưa được nêu một cách thấu đáo trong dự thảo Luật PPP cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét và chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2020. Để đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo này, sáng 6/5, tại Hà Nội, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật PPP: Hợp đồng PPP và giải quyết tranh chấp”.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, đã có nhiều đợt góp ý kiến vào dự thảo Luật PPP, đến nay dự thảo đã được hoàn thiện hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, theo ông Chủng, nhiều nội dung liên quan đến các chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể với tài sản là công trình của dự án, những vướng mắc, tranh chấp, xử lý sai phạm chưa được nêu một cách thấu đáo trong dự thảo, vì vậy rất cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ để qua đó xây dựng được chế độ pháp lý phù hợp, góp phần ghi nhận và bảo vệ một cách có hiệu quả, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công-tư.

Đánh giá về sự cần thiết phải ban hành sớm Luật PPP, ông Trần Chủng cho rằng, Việt Nam hiện đã triển khai 336 dự án theo hình thức PPP; trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Mặc dù dự án PPP đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1997 nhưng lĩnh vực này chưa có một đạo luật điều chỉnh riêng, điều nay đã gây ra nhiều bất cập, khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và nhiều dự án cũng để lại nhiều bức sức trong xã hội.

Ông Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink chia sẻ, Luật PPP lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, do đó cần phải có sự tham khảo kinh nghiệm của các nước và thông lệ trên thế giới. 

Đóng góp vào các vấn đề của dự thảo Luật PPP, Luật sư Lê Đình Vinh đặc biệt quan tâm đến nội dung cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của các dự án PPP. Theo đó, tại dự thảo Luật PPP đề cập đến việc “nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP chia sẻ với nhà nước 50% phần tăng doanh thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu theo phương án tài chính khi thu thực tế đạt từ 125% mức doanh thu trong phương án tài chính trở lên”.

Trong khi đó, “nhà nước sẽ chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP 50% phần giảm doanh thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng PPP; trong đó, mức doanh thu cam kết tại hợp đồng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính. So sánh giữa các quy định này cho thấy phần thiệt thòi sẽ thuộc về nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

Do đó, ông Lê Đình Vinh cho rằng để đảm bảo sự công bằng thì cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu với nhà nước chỉ nên áp dụng với một số dự án PPP khi thỏa mãn những điều kiện nhất định. Cụ thể, việc chia sẻ phần tăng doanh thu với nhà nước chỉ nên áp dụng dối với một số loại hợp đồng PPP và đối với những dự án PPP có những lợi thế rõ rệt về tăng trưởng doanh thu ngay từ khi lập và phê duyệt dự án. Không nên áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu đối với các dự án PPP đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo như một biện pháp ưu đãi đầu tư để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đầu tư vào địa bàn này.

Góp ý vào dự thảo Luật PPP, bà Vũ Thị Hằng, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam quan tâm đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng PPP. Bà Hằng đánh giá những điều khoản trong dự thảo Luật PPP đã quy định rất rõ ràng cụ thể về mặt chủ thể, đối tượng tranh chấp và hình thức giải quyết tranh chấp tương ứng. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận khi dự thảo không chỉ tiếp thu tinh thần về giải quyết tranh chấp đầu tư từ các văn bản pháp luật về đầu tư trước đây mà còn làm rõ hơn cũng như khắc phục được những điểm chưa phù hợp.

“Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với chính sách chung đối với nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2014. Về vấn đề này, quan điểm của chúng tôi là nhà đầu tư hoạt động theo hình thức đầu tư PPP cũng được coi là nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 và do đó cũng chịu sự điều chỉnh của luật này. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư “có vốn nước ngoài”, quy định của Luật Đầu tư PPP không nên quá khác so với Luật Đầu tư 2014”, bà Hằng cho hay.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, là nhà đầu tư nhiều công trình giao thông, Đèo Cả rất quan tâm đến nội dung “Giám sát thực hiện hợp đồng trong giai đoạn đầu tư xây dựng” bởi vì một dự án PPP đảm bảo chất lượng, được nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác có hiệu quả hay không thì vấn đề giám sát thực hiện hợp đồng dự án luôn phải được đặt ra và coi trọng cả từ hai phía trong hợp đồng.

“Hợp đồng PPP với nhiều loại Hợp đồng khác nhau như Hợp đồng BOT, Hợp đồng BT, Hợp đồng BOO…. nhưng vẫn luôn tồn tại hai bên trong hợp đồng có quyền và nghĩa vụ với nhau nhằm thực hiện dự án. Để hoàn thành dự án thì việc giám sát thực hiện hợp đồng luôn phải xuất phát từ hai phía của hợp đồng để đảm bảo sự công bằng và quyền lợi của cả hai đồng thời tránh được cơ chế xin cho hiện nay”, ông Phạm Minh Đức nêu ý kiến.

Ông Phạm Minh Đức cho hay, tại Điều 61, Điều 67 dự thảo Luật PPP đều đang quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đó là “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng dự án” mà không nhắc đến việc doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư cũng có quyền giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ của cơ quan ký hợp đồng trong hợp đồng dự án.

Thực tế hiện nay, việc thực hiện nghĩa vụ một bên trong hợp đồng dự án của cơ quan ký hợp đồng chưa được đảm bảo một cách nghiêm túc theo quy định của hợp đồng dự án.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục