Cú hích cho xe “xanh” Việt Nam

12:15' - 12/07/2025
BNEWS Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc nới điều kiện sản lượng theo hướng khuyến khích xe xanh là sự linh hoạt chính sách rất đúng thời điểm.
Nghị định 199/2025/NĐ-CP vừa ban hành về sửa đổi điều kiện ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, cho phép cộng gộp sản lượng xe "xanh", nhằm hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển chuỗi cung ứng, sẽ tạo cú hích cho sản xuất lắp ráp xe "xanh" trong nước.

* Chính sách “mở” cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Ngày 8/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 199/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 8/7/2025.

 
Trong đó, Nghị định sửa đổi điều kiện về sản lượng tối thiểu để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế. Quy định này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, đặc biệt là các dòng xe thân thiện với môi trường.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chạy xăng, dầu nếu đồng thời sản xuất thêm các dòng xe thân thiện môi trường như ô tô điện, hybrid, xe sử dụng pin nhiên liệu, hoặc nhiên liệu sinh học... thì sản lượng của xe xanh được phép cộng gộp vào sản lượng chung của các mẫu xe sử dụng nhiên liệu truyền thống để xét hưởng ưu đãi thuế. Quy định này giúp các doanh nghiệp có chiến lược chuyển dịch sang xe xanh – vốn chưa đạt sản lượng lớn – đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi thuế.

Ngoài ra, Nghị định cũng cho phép cộng gộp sản lượng của các công ty có liên kết sở hữu trên 35% vốn điều lệ khi cùng tham gia Chương trình ưu đãi thuế. Đây là biện pháp thiết thực giúp các tập đoàn lớn tối ưu hiệu quả chuỗi sản xuất đa điểm và mở rộng quy mô đầu tư.

Chính sách này được giới chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá là “bước tiến mạnh” trong hành lang thể chế, thúc đẩy nội địa hóa linh kiện, hỗ trợ đầu vào cho các nhà sản xuất, đồng thời gỡ nút thắt chi phí, một trong những rào cản lớn nhất khiến giá xe điện còn cao.

* Tạo đột phá cho xe "xanh"

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc nới điều kiện sản lượng theo hướng khuyến khích xe xanh là sự linh hoạt chính sách rất đúng thời điểm. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Nhà nước trong phát triển ngành công nghiệp xanh, hiện đại.

Ông Dai Yong Lin, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Carfe chia sẻ: “Đây là chính sách rất tốt, thể hiện rõ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Nếu nhập khẩu nguyên chiếc, chúng tôi phải chịu nhiều loại thuế, đẩy giá xe lên rất cao – khoảng 70% so với giá gốc, gây khó khăn cho người tiêu dùng tiếp cận.”

Chính vì vậy, Carfe đã quyết định đầu tư nhà máy lắp ráp tại Thái Bình (nay là Hưng Yên), nhằm tận dụng chính sách thuế mới, giảm chi phí và mở rộng khả năng tiếp cận xe điện tới đông đảo khách hàng Việt. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh yếu tố chuyển giao công nghệ, phát triển năng lượng mới, và nhất là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nội địa.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục ban hành thêm các chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp sản xuất động cơ, linh kiện nhỏ như đinh, ốc, phụ tùng... nếu được hỗ trợ sẽ cung cấp được cho các hãng lớn như VinFast, Carfe hoặc các hãng khác, giúp giảm chi phí sản xuất và thúc đẩy chuỗi cung ứng xe điện ngay tại Việt Nam.”

Không chỉ ở góc độ doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng hưởng lợi từ Nghị định mới. VinFast, nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam ngay từ đầu đã chủ động nội địa hóa sản phẩm, hiện đã đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 35% và đặt mục tiêu 80% vào năm 2026, đồng thời đặt mục tiêu sản xuất hơn 500.000 xe vào năm 2027 và tiến tới 1 triệu xe/năm vào năm 2030.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, hãng sẽ mở rộng chuỗi cung ứng nội địa bằng việc công bố ưu đãi tới 50% phí thuê đất trong 3 năm đầu và 20% trong 5 năm tiếp theo cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy tại hai tổ hợp sản xuất của hãng ở Hải Phòng và Hà Tĩnh. Đồng thời, cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các doanh nghiệp phụ trợ trong nước.

Bà Thái Thị Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu khẳng định: “VinFast mong muốn chia sẻ cơ hội phát triển và thành công với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, cùng nhau - chúng ta sẽ tạo nên nội lực mạnh mẽ, gia tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu cho công nghiệp ô tô Việt Nam”.

Từ góc nhìn chuyên gia ô tô, ông Thế Đạt nhận định Nghị định 199/2025/NĐ-CP là bước tiến quan trọng giúp tháo gỡ rào cản sản lượng tối thiểu, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển chuỗi cung ứng và quy mô sản xuất – đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng. Ông cho rằng, sự phối hợp giữa chính sách ưu đãi của Nhà nước và cam kết từ các doanh nghiệp lớn sẽ tạo đột phá cho ngành ô tô, nhất là phân khúc xe điện.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, chính sách này giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn, phát triển công nghệ xanh và tăng năng lực cạnh tranh. Nếu kiên định chính sách ổn định, mở rộng ưu đãi và hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện của khu vực ASEAN trong tương lai gần.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục