Làm sao để hạn chế thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện?

15:53' - 27/03/2018
BNEWS Việc thực hiện không tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn có nguy cơ cao gây lây lan các bệnh dịch trong bệnh viện và cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay xuất hiện nhiều tác nhân gây dịch mới.
Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: Dương Ngọc - TTXVN

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh với sự tham gia của lãnh đạo sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện nhi, sản nhi trong toàn quốc.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đại diện Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cùng các tổ chức trong và ngoài nước cùng tham dự.

Mối quan tâm hàng đầu

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, Tổ chức Y tế Thế giới đã quy định, một chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn hoàn chỉnh gồm 8 cấu phần.

Đó là kế hoạch hành động kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm việc xác định mục tiêu rõ ràng, sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo, hoàn thiện hệ thống tổ chức nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn và vi sinh; hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp áp dụng tại đơn vị; giáo dục và đào tạo; giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện; chiến lược đa phương thức; giám sát, đánh giá việc tuân thủ, đổi mới của tổ chức và cá nhân; xác định khối lượng công việc, nhân sự và số giường bệnh được sử dụng và thiết lập môi trường bệnh viện an toàn.

Hiện tại Chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thiết lập hiệu quả tại rất nhiều các quốc gia trên thế giới và khu vực.

Mặc dù vậy, nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở các nước phát triển khác nhau dao động trong khoảng 3,5% - 12%. Hiện tỷ lệ hiện nhiễm ở các nước châu Âu trung bình là 7,1%. Số liệu về nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia chậm và đang phát triển rất hạn chế, thường có chất lượng thấp và không có sẵn.

Tuy nhiên, phân tích gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy các ca nhiễm khuẩn bệnh viện thường xảy ra với tần xuất cao hơn do hạn chế nguồn lực so với các nước phát triển. Tổn thất tài chính hàng năm do nhiễm trùng bệnh viện cũng rất lớn: ước tính khoảng 7 tỷ Euro ở châu Âu, bao gồm chi phí trực tiếp và 16 triệu ngày nằm viện và khoảng 6,5 tỷ đô la Mỹ ở Mỹ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành Y tế luôn xác định kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò rất quan trọng trong khám bệnh, chữa bệnh. Khi để xảy ra nhiễm khuẩn mắc phải do chăm sóc y tế sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thậm chí là tử vong với người bệnh, làm giảm uy tín, lòng tin của người dân với cơ sở y tế.

Trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều giải pháp để nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh như ban hành nhiều chính sách, văn bản, hướng dẫn chuyên môn nhằm tăng cường năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn cho các cơ sở y tế trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn được thiết lập từ Bộ Y tế đến các cơ sở khám chữa bệnh và đi vào hoạt động hiệu quả. Các cơ sở khám bệnh chữa bệnh đã bước đầu huy động nguồn lực cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn.

Hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn được triển khai thực hiện với chất lượng ngày càng cao tại hầu hết các cơ sở khám bệnh chữa bệnh, bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch...

Còn nhiều thách thức

Tuy vậy, hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Đó là một số người đứng đầu cơ sở khám bệnh chữa bệnh chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, do vậy việc cam kết đầu tư và định hướng cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp và hiệu quả.

Chưa có chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để họ yên tâm công tác và cống hiến tâm huyết cho ngành.

Hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ theo quy định. Cả nước còn tới 16,2% bệnh viện có số giường bệnh trên 150 giường chưa thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 26,3% bệnh viện đã thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng chưa bổ nhiệm Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 24,1% Lãnh đạo khoa, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn không phải đào tạo từ ngành y, hoặc có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ học. Hệ thống quản lý kiểm soát nhiễm khuẩn còn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc triển khai, điều hành các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn.

Nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu: Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách. Hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đều thiếu nhân lực so với quy định lại chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách do vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp và giám sát các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Chưa có bộ môn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các trường thuộc khối ngành khoa học sức khỏe.

Nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chi phí cho kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được chi đúng, chi đủ.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng vào công tác giám sát bao gồm giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, mặc dù đây mới là nhiệm vụ trọng tâm của kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Một số bệnh dịch xảy ra ngay tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian qua đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và kinh phí: Dịch SARS năm 2003, nhiễm trùng muộn sau phẫu thuật tại Hà Giang (2013), lây nhiễm Sởi, vi khuẩn đa kháng kháng sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiễm vi khuẩn đa kháng tại bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh (2017)…

Việc thực hiện không tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn có nguy cơ cao gây lây lan các bệnh dịch trong bệnh viện và cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay xuất hiện nhiều tác nhân gây dịch mới xuất hiện và các vi khuẩn đa kháng, siêu kháng với thuốc kháng sinh.

Hạn chế thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, hiện nay ngành y tế xác định việc nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh, tăng sự hài lòng của ngừoi bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Trong những năm tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị như phát triển nội soi, phẫu thuật tim mạch, ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc… Các chuyên khoa hệ nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm phát triển thành các lĩnh vực chuyên môn sâu, triển khai nhiều kỹ thuật đòi hỏi phải vô khuẩn cao. Sự phát triển đó đòi hỏi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phải được tăng cường, phát triển tương xứng,nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo đảm an toàn cho ngừoi bệnh, nhân viên y tế.

Đặc biệt với mô hình bệnh tật của nước chậm phát triển và đang phát triển, các bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao, nhiều bệnh dịch mới nổi có nguy cơ tử vong cao và gây dịch xuất hiện không chỉ tại cộng đồng mà ngày càng có xu hướng lây lan nhiều trong bệnh như Cúm A (H5N1,H1N1, H7N9,...), MER-CoV, Ebola,… là một trong những thách thức lớn trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh, giảm chi phí cho điều trị và giảm thiểu sự lây nhiễm bệnh trong bệnh viện, các cơ sở y tế cần thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiếm khuẩn do Bộ Y tế ban hành.

Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn và bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo cơ cấu giá viện phí dành cho kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bên cạnh bố trí đủ nhân lực có năng lực chuyên môn, đã được đào tạo và có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách, bảo đảm nhân viên y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc người bệnh phải được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn, cần tăng cường giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo đúng hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn đã ban hành nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đến mức thấp nhất.

Cùng với đó, áp dụng các biện pháp truyền thông phù hợp để nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, tăng cường sự tham gia phối hợp của người bệnh, người nhà người bệnh nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị...

Tại hội thảo hơn các đơn vị đã ký cam kết triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong bệnh viện./.

>>> 5 bệnh viện công lập của Hải Phòng tự chủ về tài chính

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục