Làm sao để hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn hiệu quả?

16:04' - 16/05/2018
BNEWS Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã còn bộc lộ khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”.

Toàn cảnh Hội thảo Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã là chủ trương lớn, có tính nhất quán của Đảng.

Vì vậy, thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế tập thể, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ hợp tác xã ngày càng được quan tâm hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã.

Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thể chế hóa, ban hành và bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể hóa, ban hành và bố trí nguồn lực để thực hiện, thành lập mới hợp tác xã, xúc tiến thương mại và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh nhất là chính sách hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã, thành viên và người lao động. Đồng thời, chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động của các quỹ.

Đến nay, cả nước có 48 Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhưng vốn hoạt động của các quỹ vẫn còn khá khiêm tốn, với số vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.600 tỷ đồng.

Chính vì vậy, nguồn vốn này chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã, thành viên và người lao động.

Bên cạnh đó, còn khoảng 25% tỉnh, thành phố (16/63) chưa thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; các quỹ đang hoạt động chủ yếu là quy mô nhỏ, với gần 50% số quỹ có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có quỹ vốn điều lệ chỉ 1 – 2 tỷ đồng...

Nguồn vốn hoạt động của các quỹ đa phần từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, chưa huy động được các nguồn lực từ thị trường; cơ chế hoạt động nghiệp vụ và mô hình tổ chức bộ máy của các quỹ thiếu thống nhất; tuy cùng trực thuộc hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhưng giữa các quỹ chưa có sự hợp tác, liên kết thống nhất theo hệ thống dọc.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã các tỉnh đề xuất ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình chia sẻ, khó khăn lớn nhất là nhu cầu vay vốn của các hợp tác xác rất lớn nhưng vốn điều lệ quỹ còn thấp.

Mặt khác, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã ngoài vốn ngân sách cấp thì chưa huy động các vốn khác để bổ sung nguồn cho các hợp tác xã vay.

Hơn nữa, trong quá trình vay vốn cơ chế quản lý quỹ chưa thống nhất cả hệ thống từ trung ương đến địa phương. Mối liên hệ giữa quỹ trung ương và địa phương còn cắt khúc.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, các hợp tác xã phổ biến chỉ có khả năng tự lực vốn ở mức dưới 20%, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng rất hạn chế do không có tài sản đảm bảo. Những khó khăn nội tại đeo đẳng trong suốt nhiều năm qua khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho sản xuất đã khó càng thêm khó.

Các đại biểu đề xuất ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, hiện nay chưa đến 20% các hợp tác xã có khả năng tự lực vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng vô cùng hạn chế. Do không có tài sản đảm bảo, chỉ 1% trên tổng số hơn 20.000 hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng còn khó hơn rất nhiều.

Nguyên nhân là do các hợp tác xã không có tài sản để thế chấp, cầm cố vay vốn. Mặt khác, một số hợp tác xã có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng không được ngân hàng cho vay vốn vì không đảm bảo tính pháp lý.

Xuất phát từ việc thiếu tài sản đảm bảo, nhiều hợp tác xã cũng không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả mà phần lớn vẫn dựa vào tư vấn, hỗ trợ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã hoặc thuê dịch vụ.

Bởi vậy, sự xuất hiện của Quỹ Hỗ phát triển hợp tác xã được kỳ vọng như một “luồng gió mới” mang lại hy vọng cho các hợp tác xã.

Ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cho biết, quỹ là kênh duy nhất cung cấp nguồn tín dụng, giúp các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Vì thế, dự thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cần sát hơn với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn.

Điều này nhằm giúp các hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và đều có cơ hội đền gần hơn với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Để đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ phát triển hợp tác xã, giới phân tích cho rằng cần đa dạng hóa các loại hình hoạt động của các định chế tài chính, tín dụng hỗ trợ hợp tác xã, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Cùng đó, xây dựng cơ chế, chính sách đất đai, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết sản xuất…tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ tài chính, tín dụng đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách đối với các hoạt động quỹ từ trung ương đến địa phương.

Mặt khác, đa dạng hóa nguồn vốn của các quỹ; nghiên cứu lồng ghép chức năng nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách có tính chất tương đồng về đối tượng hỗ trợ để tập trung nguồn tài chính, con người và cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, định hướng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là phát triển các quỹ để các hợp tác xã có thể tự tiếp cận các nguồn vốn, từ tín dụng cho tới ngoài xã hội. Một trong các biện pháp là xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị.

Để giải được bài toán về vốn, trước hết, các hợp tác xã phải chuyển đổi mô hình hoạt động, giải quyết được những hạn chế về nhân lực, xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả năng áp dụng công nghệ… Khi những điểm nghẽn này được giải quyết, những khó khăn về vốn sẽ được hóa giải.

Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tư vấn và hỗ trợ đến 200 triệu đồng cho mỗi mô hình chuỗi giá trị để làm bước đệm ban đầu, bao gồm việc đào tạo nhân lực, trang bị công cụ, tìm nhà tư vấn, làm thương hiệu, xúc tiến thương mại và ký kết các hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

Với nhu cầu lớn từ nền kinh tế, cách làm này chỉ cần vốn mồi ban đầu và các hợp tác xã sau đó có thể tự thu hút các nguồn lực khác để hoạt động và phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục