Làm sao để khắc phục đổ gẫy cột điện bê tông trong mùa mưa bão?

15:02' - 25/09/2020
BNEWS Theo báo cáo của EVN, do ảnh hưởng cơn bão số 5 vừa qua, tại địa bàn Quảng Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã có 616 cột điện bị gãy đổ, nghiêng.

Ngày 25/9 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã có cuộc họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Hiệp hội Bê tông để đánh giá và bàn giải pháp khắc phục tình trạng gãy đổ cột điện bê tông cốt thép ly tâm do thiên tai mưa bão và giải pháp khắc phụ.

Theo báo cáo của EVN, do ảnh hưởng cơn bão số 5 vừa qua, tại địa bàn Quảng Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã có 616 cột điện bị gãy đổ, nghiêng; trong đó, có 304 cột bị gãy (chiếm tỷ lệ 0,06%) gồm 113 cột trung áp và 191 cột hạ áp.
Đáng lưu ý, trong số 304 cột bị gãy thì có 34 cột dự ứng lực chiếm tỷ lệ 11,2% và 270 cột bê tong thường – chiếm tỷ lệ 88,8%. Riêng địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 30/272 cột dự úng lực bị gãy.
EVN cho biết, từ kiểm tra thực tế hiện trường có các cột nghiêng, gãy, đổ cho thấy, những đoạn đường dây trung hạ áp có cột nghiêng, gãy đổ, đứt dây dẫn, gãy sứ.. đều do cây ngã đổ vào đường dây, gây đứt dây và tăng tải trọng bất thường.

Do đó, tăng tải trọng bất thường quá khả năng chịu của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn... dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột.
Số cột hạ thế gãy nhiều hơn số cột trung thế do hiện nay lưới điện hạ thế không không có quy định về hành lang bảo vệ an toàn như lưới điện trung thế, làm số lượng cây đổ vào đường dây hạ thế nhiều hơn dẫn đến gẫy cột.
Cùng đó, một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi, xoáy sẽ làm đứt dây néo. Đây cũng là nguyên nhân gây gãy đổ cột.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, từ năm 2018, sau khi rà soát đánh giá tình trạng cột điện hư hỏng gãy đổ sau mưa bão, Bộ Xây dựng đã có ý kiến sang Bộ Công Thương đồng thời triển khai Đề án tổng thế đánh giá nguyên nhân; tìm giải pháp từ các phân tích; thí nghiệm chuyên ngành về chất lượng.

Bên cạnh đó, tìm ra nguyên nhân khiến tải trọng cột điện chưa phù hợp với tải trọng thực tế ở vị trí lắp đặt; chất lượng sản xuất cột điện chưa đáp ứng yêu cầu có thể do sản xuất từ nhiều nguồn khó kiểm soát hoặc do quá trình thiết kế thi công cột chưa bảo đảm và các nguyên nhân khác do cây gãy đổ...
Theo ông Vũ Ngọc Anh - Vụ Trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ Xây dựng cho rằng, cần phải rà soát chặt chẽ về tuổi thọ công trình, kèm theo đó là vị trí cột điện, ảnh hưởng về địa chất; hướng gió để tìm nguyên nhân.
Đồng quan điểm, ông Lê Trung Thành - Viện trưởng viện Vật liệu Xây dựng chia sẻ kinh nghiệm các nước trên thế giới và dẫn chứng khâu thiết kế kết cấu cột điện luôn được quan tâm đặc biệt để đưa ra chính xác tải trọng.

Ví dụ như cột điện tại các vùng biển ảnh hưởng gió bão phải có tải trọng khác với những vùng ít chịu ảnh hưởng.
Tổng công ty Điện lực miền Trung cho hay, trước năm 2016, cột điện chủ yếu do các hợp tác xã và cả người dân tham gia sản xuất. EVN được tiếp nhận lại và quản lý vận hành nên rất khó kiểm soát đánh giá về chất lượng; chỉ có thể theo dõi và gia cố.

Với lưới điện do các đơn vị truyền tải điện của EVN đầu tư đều bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.
Để khắc phục tình trạng này, phía EVN đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh áp lực gió trong Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về tải trọng và tác động cũng như Quy chuẩn quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên trong xây dựng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Bên cạnh đó, các ban, ngành, địa phương cần tăng cường vận động tổ chức, cá nhân chủ sở hữu cây cối, công trình trong hành lang lưới điện và có biện pháp tăng cường xử lý vi phạm về đảm bảo an toàn hành lang, gây sự cố, hư hỏng kết cấu lưới điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục