Làng gốm cổ Phù Lãng vào xuân

06:40' - 28/01/2021
BNEWS Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, những ngày này, tại làng gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh luôn tấp nập khách đến chọn và mua gốm.

Chị Trần Thị Thanh, chủ cơ sở gốm Thành Thanh, xã Phù Lãng vừa nhanh tay cho ra những mẻ gốm chất lượng vừa chia sẻ, để chuẩn bị các mặt hàng cho thị trường Tết, gia đình chị đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu, nguồn nhân lực từ 6 tháng trước.

Nếu bình thường gia đình chị có 10 nhân công lao động thì khoảng 2 tháng trở lại đây thuê thêm 5 nhân công để kịp trả các đơn hàng cho khách.

Bên cạnh mặt hàng lọ hoa đắt khách, năm nay, khách hàng có xu hướng chơi cây cảnh trồng trên chậu gốm. Cách đây 2 tháng, gia đình chị đã nhận được nhiều đơn hàng chấu gốm từ khách hàng ở các tỉnh.

Theo chị Thanh, dù năm nay, nguyên liệu, nhân công tăng giá nhưng các mặt hàng gốm của gia đình không tăng giá. Mặt hàng lọ hoa có giá 60.000-70.000 đồng/chiếc, chum trồng cây từ 120.000 - 150.000/chiếc.

Đối với những sản phẩm độc đáo, được “đặt” trước giá cả cũng dao động khoảng 300.000 đồng/chiếc.

Cơ sở sản xuất gốm của anh Nguyễn Minh Ngọc đã chọn cho mình hướng kinh doanh riêng, bằng cách thuê thêm thợ có tay nghề, họa sĩ để làm các bức tranh gốm.

Nắm bắt được tâm lý khách hàng thường chọn các sản phẩm trang trí theo năm con giáp, gia đình anh đưa hình ảnh con trâu với dáng vóc ngộ nghĩnh trên các sản phẩm như chậu cây, bình hoa…với lượng tiêu thụ hơn 1.000 sản phẩm/tháng.

Anh Nguyễn Đình Thưởng, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho hay, hằng năm, cứ gần đến Tết Nguyên đán, anh giữ thói quen đến làng gốm Phù Lãng để chọn mua một bức tranh hay một sản phẩm trang trí bằng gốm để trưng Tết.

Anh thích dòng gốm nơi đây, bởi chất liệu gốm cổ truyền, vừa mộc mạc, tinh tế, vừa gần gũi với đời sống người dân.

Năm nay, anh Thưởng chọn bức tranh trảy hội mùa xuân với mong muốn năm mới cuộc sống an nhiên, tươi vui, đủ đầy. Theo anh, nghệ nhân gốm Phù Lãng đã rất khéo léo đưa hình ảnh những bức tranh dân gian Đông Hồ vào từng chiếc chum, vại, lọ hoa… làm tăng giá trị sản phẩm mà rất mềm mại và tinh xảo.

Theo ông Lê Phú Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, làng gốm Phù Lãng có hơn 200 hộ, với hơn 1.000 người sản xuất, kinh doanh.

Vào vụ Tết, làng nghề tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động ở các địa phương khác. Nhờ sự phát triển làng nghề, mỗi năm đã mang lại doanh thu hơn 100 tỷ đồng, chiếm 1/3 doanh thu địa phương.

Thời gian qua, địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu tổ chức nghiên cứu, bảo tồn và phát triển sản phẩm gốm.

Hiện, gốm Phù Lãng đã được đưa vào danh mục các sản phẩm OCOP trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Bắc Ninh; từ đó góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm.

Làng nghề gốm Phù Lãng đã tồn tại và phát triển hơn 800 năm, là một trong những dòng gốm cổ, đặc trưng ở miền Bắc, chủ yếu được biết đến với những sản phẩm gia dụng, phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cùng với sự năng động của những nghệ nhân trong làng, làng nghề đã “chuyển mình” phát triển theo hướng thủ công, mỹ nghệ, chủ yếu dùng trong trang trí.

Anh Nguyễn Minh Ngọc, chủ cơ sở gốm Ngọc, xã Phù Lãng cho biết, gia đình anh đã có hơn 50 năm làm gốm, được truyền từ đời ông, cha.

Trước kia, các sản phẩm từ gốm rất thô sơ, không đáp ứng với nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của khách hàng.

Từ năm 2002, gia đình anh mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất làm đồ trang trí, trưng bày.

Hiện nay, cơ sở gốm Ngọc của anh có hàng nghìn sản phẩm với hàng chục chủng loại như: đèn, bình hoa, đôn, phù điêu, chum, vại, tranh gốm…

Anh Ngọc cho biết thêm, công thức làm đồ gốm trước đây vẫn được kế thừa nhưng anh đưa thêm những họa tiết trang trí đẹp mắt và chuyển đổi cơ chế nung gốm từ nung bằng củi thành nung bằng ga. Đến nay, mỗi sản phẩm “ra lò” đều có màu sắc đẹp, tự nhiên, đều màu và gốm “chín đều”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lãng, thời gian tới, nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề, địa phương tiếp tục tuyên truyền nhân dân tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của cha ông; đồng thời có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện người dân vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng khu trưng bày làng nghề, phát triển du lịch cộng đồng; qua đó tạo điều kiện quảng bá, phát huy giá trị làng nghề gốm cổ Phù Lãng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục