Làng nghề Vĩnh Phúc tất bật chuẩn bị đơn hàng Tết

17:21' - 04/12/2019
BNEWS Các gia đình, cơ sở làm nghề đều nỗ lực, cố gắng hết mình để làm ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm.

Vào dịp cuối năm và đặc biệt sắp đến Tết Nguyên đán Canh Tý, các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, làm hương, hoa, cây cảnh… trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nhộn nhịp, tất bật hơn.

Các gia đình, cơ sở làm nghề đều nỗ lực, cố gắng hết mình để làm ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm.

Các làng nghề Vĩnh Phúc tất bật chuẩn bị hàng Tết. Ảnh: TTXVN

Làng nghề mộc truyền thống thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Khắp đường làng, ngõ, xóm, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục đẽo, tiếng búa, bào mài... hòa cùng tiếng nói cười rôm rả của những người thợ. Những thôn làng làm nghề mộc này đang hoạt động hết công suất để kịp giao hàng cho khách.

Xưởng sản xuất mộc mỹ nghệ của gia đình chị Phạm Thị T. – một chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ tại thôn Tiên, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc được đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ với năng lực sản xuất, năng suất lao động cao gấp hàng chục lần so với sản xuất thủ công trước đây.

Thế nhưng, dịp cuối năm nhiều lúc không đủ hàng giao cho khách đặt mua buôn. Hiện cơ sở mộc của chị Phạm Thị T. phải trả thợ mộc thạo nghề lên tới 12 - 13 triệu đồng/người/tháng để họ yên tâm làm việc.

Nghề mộc ở thị trấn Yên Lạc hiện đã có những bước phát triển mới với 4/4 thôn được công nhận làng nghề mộc truyền thống. Bên cạnh các mặt hàng quen thuộc như giường, tủ, bàn ghế thì đồ mộc nay đã phát triển phong phú, đa dạng với sản phẩm cầu thang, ốp trần, ốp tường…

Nhiều hộ làm nghề dần hoạt động chuyên môn hóa vào một số sản phẩm, công đoạn nhất định, liên kết sản xuất tạo sản phẩm hoàn chỉnh.

Cách làm này không những giảm được chi phí đầu tư trang thiết bị máy móc, tạo sự chuyên nghiệp, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mà còn đảm bảo đủ lượng hàng cần thiết theo yêu cầu của khách hàng.

Thị trấn Yên Lạc có hàng chục doanh nghiệp, hơn 800 hộ sản xuất vừa và nhỏ với khoảng 5.000 lao động địa phương làm nghề mộc.

Ông Nghiêm Xuân Cường - Chi hội trưởng Câu lạc bộ làm kinh tế ở thôn Đông, thị trấn Yên Lạc chia sẻ, các làng nghề mộc truyền thống ở thị trấn Yên Lạc phát triển rất mạnh mẽ.

Đến tất cả các ngõ ngách, xóm phố của thị trấn đều thấy đông đảo người làm nghề. Gỗ nguyên liệu bày khắp nơi, người vận chuyển đồ đạc, sản phẩm gỗ đi khắp tỉnh thành tiêu thụ. Nhờ nghề mộc phát triển, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngay cả công thợ cũng tăng lên khá cao, mức phổ biến trên dưới 350.000 đồng/ngày với thợ thạo nghề; 220.000 đồng/ngày công với các thợ phụ, làm các phần việc nhẹ...

Làng nghề mộc truyền thống thị trấn Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên) cũng bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm.

Làng có khoảng 2.000 hộ dân làm nghề mộc thường xuyên, thu hút hàng hàng lao động có việc làm ổn định với thu nhập bình quân của lao động phổ thông từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Thông thường, những tháng cuối năm đơn đặt hàng nhiều và công việc vất vả hơn, lao động có tay nghề cao ở đây được trả lên tới 600.000 - 800.000 đồng/ngày công nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng đón được thợ.

Thời điểm cuối năm, nhất là cận Tết Nguyên đán thường vất vả, song bù lại, doanh thu trong thời điểm này của các xưởng thường tăng cao hơn các tháng bình thường khoảng từ 20 - 50%.

Cuối năm lao động tập trung làm nghề cho các cơ sở mộc vì thu nhập cao. Ảnh: TTXVN

Những lao động làm thuê từ nơi khác đến, lao động trong thôn xóm cũng tập trung công sức để làm nghề cho các cơ sở mộc vì thu nhập cao, dịp cuối năm thợ góp công lao nhiều thường cũng được thưởng tiền thêm...

Anh Hoàng Văn Nam - một chủ cơ sở buôn bán đồ gỗ và gỗ mỹ nghệ ở phố Thanh Hưng, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam (Bắc Giang) cho biết, dịp cuối năm làng nghề mộc truyền thống thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên là một trong những địa chỉ mà cơ sở anh tìm đến lấy hàng.

Tuy nhiên, muốn có hàng theo mẫu và loại gỗ theo ý khách hàng... thì phải đặt trước mới đảm bảo kịp thời gian.

Thông thường, những sản phẩm gỗ đắt tiền ở làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng sản xuất thô trước Tết vài tháng, thời điểm cuối năm, cận Tết các thợ tập trung vào khâu đánh bóng, sơn... Nhưng do lượng công việc quá lớn, nhiều khi đi lấy hàng vẫn phải chờ đợi.

Bên cạnh các làng nghề mộc, làng nghề chăn, ga, gối, đệm ở xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc cũng vào chính vụ. Mỗi buổi sáng, các loại ô tô, xe máy ra vào chở sản phẩm mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành khu vực miền Bắc.

Từ làng nghề sản xuất thủ công lạc hậu, đến nay cả xã đã có hàng chục doanh nghiệp và cơ sở chuyên làm nghề; đầu tư trang bị máy móc hiện đại để tạo sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.

Theo thống kê của UBND xã Yên Đồng, đến nay, nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm đã phát triển ở 8/8 thôn với hơn 600 hộ làm nghề. Lao động của người làm nghề có thu nhập bình quân đạt từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Nếu như trước kia, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh thì từ năm 2012 trở lại đây đã có mặt tại hầu khắp các tỉnh, thành miền Bắc, bước đầu vươn tới thị trường miền Nam...

Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề; trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, thu hút khoảng 45.000 - 50.000 lao động.

Làng nghề có ưu thế huy động được già, trẻ, gái, trai làm nghề lúc nông nhàn, ngay cả các em học sinh cũng tranh thủ làm nghề bán thời gian cũng có khoản thu nhập khá. Vào dịp cuối năm, các làng nghề rơi vào thời điểm "hốt bạc" vì nhu cầu tiêu dụng của người dân rất lớn.

Các tiểu thương về đặt hàng nhiều khiến các hộ, cơ sở làm nghề phải tập trung lao động, vật tư, tăng giờ làm... để đảm bảo khối lượng hàng theo đơn của khách...

Hiện nay, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề, cụm công nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, huyện và thành phố quản lý tốt vấn đề môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục