Làng nước mắm truyền thống Hải Nhuận nhận danh hiệu nghề truyền thống

06:02' - 16/03/2019
BNEWS Làng nghề chế biến nước mắm Hải Nhuận, xã Phong Hải (huyện Phong Điền) vừa nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây, xã Điền Hòa và làng nghề chế biến nước mắm truyền thống Hải Nhuận, xã Phong Hải (huyện Phong Điền) vừa nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Làng Hải Nhuận, xã Phong Hải, huyện Phong Điền là một xã ven biển cách trung tâm huyện lỵ khoảng 25 km về phía Đông Nam.

Người dân của làng sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, khai thác và chế biến thủy hải sản, nuôi tôm trên cát.

Từ phụ nữ đến các cụ lão đều tham gia bám biển để mưu sinh, dần dần trở thành một nghề truyền thống "cha truyền con nối" từ lâu đời.

Với đặc điểm là một làng ven biển với nhiều loại hình khai thác biển quanh năm, sản lượng thủy hải sản khá phong phú đa dạng, các sản phẩm làm ra ngày một dồi dào, nên ngoài việc tự cung tự cấp trong gia đình, người dân còn đem bán các sản phẩm dư thừa như cá, tôm, ruốc (khuyết)... hoặc trộn với muối rồi cho vào lu, vào vại làm mắm.

Từ đó, dân làng Hải Nhuận đã biết cách để ướp cá, làm các loại mắm từ cá. Nước mắm đã trở thành một đặc sản nổi bật của làng Hải Nhuận.

Quá trình sản xuất, chế biến để ra sản phẩm được bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu. Trước mắt, cần có là những mẻ cá tươi mới đánh bắt, chọn lọc và rửa sạch và trộn vào muối biển với tỉ lệ "ba cá một muối" rồi cho vào lu.

Sau đó, gài miệng lu thật kín, để nơi khô ráo, an toàn, kín gió và sau 12 tháng cá bắt đầu chín rục thành mắm, đem ra sàn lọc. Từng giọt nước mắm nhĩ kết hợp với nắng nóng tạo nên mùi vị đặc trưng, mang đậm hương sắc của một vùng biển.

Nước mắm Hải Nhuận đậm đà, thơm ngon nổi tiếng trải qua bao thế hệ vẫn luôn giữ được cái hồn và bản sắc riêng.

Cũng chính điều này đã làm cho Làng Hải Nhuận nổi tiếng với nghề truyền thống sản xuất, chế biến mắm và nước mắm các loại.

Với những tên gọi rất quen thuộc và dân dã như mắm ruốc, mắm cá, mắm dưa, mắm thính, nước mắm ruốc, nước mắm cá là những món ăn không thể thiếu của người dân trong làng và lan xa tới các vùng quê lân cận.

Sau nhiều năm duy trì và phát triển, đến nay, nghề sản xuất và chế biến nước mắm Hải Nhuận đã tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và có mặt ở nước ngoài.

Trên địa bàn làng Hải Nhuận hiện có hơn 400 hộ chuyên đánh bắt, mua bán, làm nghề chế biến nước mắm; trong đó, có hơn 200 hộ gắn bó tham gia nghề chế biến nước mắm.

Hàng năm, làng nghề cung ứng ra thị trường hơn 130.000 lít nước mắm.

Nét đặc trưng và nổi bật của nước mắm Hải Nhuận là được làm hoàn toàn thủ công, được ủ ròng trong vòng một năm để tinh chế ra loại nước mắm ngon nhất, mặn mà không hóa chất.

Việc làng nghề chế biến nước mắm Hải Nhuận được công nhận là làng nghề truyền thống là động lực để chính quyền, người dân nơi đây nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu nước mắm Hải Nhuận vươn xa.

Cùng với nước mắm Hải Thuận, huyện Phong Điền còn có làng hoa cây cảnh nổi tiếng là Làng Mai cảnh Thế Chí Tây, thuộc xã Điền Hòa, cách thành phố Huế 35km về phía Bắc. Mai Điền Hòa độc và lạ ở cách tạo thế và dáng của cây.

Là vùng biển nên cách chơi mai cũng thể hiện cốt cách con người với nhưng thế cây như vươn cao "long vân", "long giáng" luôn đứng vững trước phong ba bão táp...

Hàng năm, vào dịp Tết, UBND xã Điền Hòa đều hỗ trợ kinh phí để tổ chức Hội Mai xuân Điền Hòa, tạo sân chơi, nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời giáo dục, khuyến khích niềm đam mê chơi mai của người dân, góp phần giữ gìn truyền thống trồng mai.

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, thống kê xã hiện có gần 2.000 chậu mai kiểng có độ tuổi từ 10-15 năm.

Hầu như hộ gia đình nào cũng trồng hoa mai, nhà trồng ít từ 30 cây - 50 cây, nhà trồng nhiều có đến hàng trăm cây, mang lại thu nhập cho người dân khá cao.

Mỗi chậu mai cảnh có giá từ 3 triệu đồng trở lên, dạng "lão mai" có giá từ 30-50 triệu đồng, có những chậu lên đến 100 triệu đồng, chủ yếu để chơi và bán trong dịp tết hàng năm.

Để có một chậu mai cảnh đẹp, ngoài công chăm sóc hàng chục năm trời, người chơi mai phải am hiểu, chú ý đến 4 điểm: nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống.

Thế mai đẹp cần phải lộ tứ diện, nghĩa là nhìn từ bên ngoài phía nào cũng thấy hình dáng của con rồng.

Để có một chậu mai cảnh như ý, người chơi phải chăm chút từng li từng tí, lúc chọn mai đưa vào chậu phải bó rễ và kê vật cứng dưới đáy chậu, như thế rễ mai mới lộ lên trên.

Riêng phần thân mai phải uốn cho cân xứng, chậu mai cũng phải hòa hợp với cây mai, mai nhỏ thì dùng chậu bình thường, những cây thuộc hàng "lão mai" thì phải dùng những chậu cổ mới thích hợp…

Không chỉ ở tạo thế, cách chăm bón để các vườn mai đều được nở đúng Tết cũng là bí truyền của người chơi cây cảnh ở Làng mai cảnh truyền thống Thế Chí Tây thuộc xã Điền Hòa.

Điền Hòa hiện có 300 hộ trồng mai lâu năm và 200 hộ mới tham gia từ đề án phát triển kinh tế vườn của xã..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục