Lãnh đạo quân đội Mỹ - Nhật - Hàn thảo luận vấn đề Triều Tiên

14:29' - 23/05/2017
BNEWS Lãnh đạo quân đội ba nước Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản thảo luận vấn đề Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo tầm trung mới Pukguksong-2 của Triều Tiên được phóng thử từ vùng Pukchang thuộc một tỉnh miền tây Triều Tiên ngày 21/5. Ảnh: YONHAP/ TTXVN

Giới chức quân sự Hàn Quốc ngày 23/5 thông báo Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng quân đội nước này, Tướng Lee Sun-jin và những người đồng cấp Joseph F. Dunford của Mỹ và Katsutoshi Kawano  của Nhật Bản đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên nhằm đối phó với tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong cuộc họp qua cầu truyền hình, Tướng Lee nhận định việc Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn với toàn thể cộng đồng thế giới. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp giữa ba nước.

Về phần mình, Tướng Dunford cho rằng các nước cần duy trì thế sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức trên cơ sở của mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Phía Nhật Bản cũng chia sẻ lập trường này.

Thông báo từ Văn phòng của Tướng Lee cho biết thêm các bên đã thảo luận cách hợp tác thiết thực nhằm ứng phó với các hành động khiêu khích liên tiếp của Triều Tiên.

Trong một tuyên bố riêng rẽ, quân đội Mỹ cũng cho rằng cuộc thảo luận cho thấy mong muốn của ba nước trong việc tăng cường trao đổi ý kiến và hợp tác quốc phòng ba bên, cũng như làm sâu sắc thêm nhận thức về tầm nhìn chung đói với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Liên quan đến việc đối phó với chương trình tên lửa của Triều Tiên, một chuyên gia của Hàn Quốc nhận định chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tìm cách bao vây hải quân hay áp đặt vùng cấm bay chống Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Theo Giáo sư Shin Beom-chul thuộc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, việc Triều Tiên phát triển thành công ICBM có thể coi là “giới hạn đỏ” đối với Tổng thống Mỹ và nếu Triều Tiên bước qua giới hạn này thì “áp dụng hành động quân sự chống Bình Nhưỡng sẽ là phương án được tính đến”.

Tuy nhiên, ông Shin chỉ ra rằng Mỹ sẽ kiềm chế không quyết định tấn công quân sự trực tiếp vào Triều Tiên do lo ngại về các cuộc tấn công trả đũa ồ ạt.

Do đó, theo Giáo sư Shin, Washington vẫn có thể tạo ra tình trạng căng thẳng quân sự thông qua các phương án khác mà không cần phải thực hiện tấn công quân sự trực tiếp vào Triều Tiên.

Đó là các phương án quân sự, bao vây hải quân, và việc áp đặt vùng cấm bay cũng có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự ở khu vực Đông Bắc Á.

Ông cũng lưu ý về phản ứng của Trung Quốc và Nga trước các động thái của Mỹ, đồng thời cảnh báo Đông Bắc Á rất có thể rơi vào vòng xoáy của đối đầu vũ trang nếu các cường quốc khu vực không quản lý tốt các yếu tố rủi ro./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục