Lào Cai đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du miền núi phía Bắc

14:48' - 17/12/2019
BNEWS Tỉnh Lào Cai đang đặt mục tiêu đến năm 2025 là trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du miền núi phía Bắc và là tỉnh phát triển khá của cả nước (đứng thứ 20-25 của cả nước).
Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phát động phong trào thi đua năm 2020. Ảnh Hồng Ninh-TTXVN

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP bình quân đầu người) phấn đấu đạt 5.800 - 6000 USD; cơ cấu kinh tế chuyên dịch theo hướng tích cực hơn giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp (9,6%), tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (41,4%) và dịch vụ (49%).

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, là tỉnh cơ bản tự cân đối được ngân sách; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt trên 15 tỷ USD; khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 12 triệu lượt khách…

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đang ưu tiên phát triển các dự án chế biến sâu khoáng sản; xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai và các dự án hoạt động trên các ngành công nghiệp phụ trợ, vật liệu mới. Đồng thời, thu hút các dự án phát triển du lịch tại địa phương có nhiều thế mạnh đặc thù, phát triển du lịch ở Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, phát triển dịch vụ tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

Tỉnh tập cũng trung phát triển các dự án nông nghiệp quy mô sản xuất lớn, công nghệ cao trong chuỗi sản xuất - cung ứng phân phối ổn định trên cơ sở đặc thù khí hậu một số vùng như các dự án nuôi trồng thủy sản nước lạnh, khu chăn nuôi tập trung đại gia súc lớn; phát triển cây dược liệu tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương...

Lào Cai hiện đã có cơ sở hạ tầng khá thuận lợi cho việc trở thành “cầu nối” trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Lào Cai (PCI) luôn đứng trong top đầu của cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh Tây Bắc.

Cam kết của chính quyền tỉnh Lào Cai với nhà đầu tư, doanh nghiệp là cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không quá 3 ngày; cấp quyết định chủ trương đầu tư không qua 2/3 thời gian quy định; cấp giấy phép xây dựng không quá 10 ngày; có cơ quan chuyên trách giúp nhà đầu tư giải phóng mặt bằng trong thời gian nhanh nhất…

Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Lào Cai duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 10,32%, cao thứ 2 khu vực trung du và miền núi phía Bắc (sau Bắc Giang).

Tính đến hết ngày 16/12, thu thuế nội địa trên địa bàn đã đạt 5.557 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch Trung ương giao; trong đó, thu thuế từ lĩnh vực ngoài quốc doanh đạt được được cao nhất với trên 1.400 tỷ đồng.

Theo ông Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, năm 2019, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng; GRDP đạt 70,6 triệu đồng/người/năm.

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu ở Lào Cai ước đạt khoảng 3,7 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2018. Lĩnh vực du lịch cũng đang phát triển mạnh, đã có 5,1 triệu lượt khách du lịch đến Lào Cai, tăng 27,5% so với năm 2018.

Các lĩnh vực kinh tế khác như công nghiệp, nông nghiệp được duy trì và phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 32.893 tỷ đồng, tăng 13,3% só với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 38.050 tỷ đồng, tăng 8,4% só với cùng kỳ. Nhờ vậy, nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Lào Cai cả năm 2019 ước đạt khoảng 9.400 tỷ đồng, bằng 104,4% dự toán đầu năm.

Trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Hiện trên địa bàn có 668 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 108.117 tỷ đồng; trong đó, có 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 12.420 tỷ đồng.

Tổng số doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Lào Cai và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế là 3.357 doanh nghiệp, tập trung trong các ngành xây dựng (23,5%); thương mại, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ tư vấn, vận tải, hoạt động dịch vụ khác (57,8%); còn lại là trong các lĩnh vực công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục