Lắp đặt vận hành hơn 24.300 dự án điện mặt trời áp mái

12:19' - 04/03/2020
BNEWS Với điện mặt trời áp mái, đến đầu tháng 3/2020, đã có tổng cộng hơn 24.300 dự án đã được lắp đặt vận hành, với tổng công suất là 465,8 MWp. Đây vẫn là mức rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển.
Điện mặt trời áp mái đang được nhiều doanh nghiệp và người dân Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió, sinh khối..), trong 2 tháng đầu năm Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã huy động tối đa có thể các nguồn năng lượng tái tạo với tổng sản lượng 1,8 tỷ kWh, chiếm gần 5% trên tổng sản lượng phát điện toàn hệ thống, trong khi công suất lắp đặt của năng lượng tái tạo chiếm khoảng 9% toàn hệ thống nguồn điện.
Riêng đối với điện mặt trời áp mái, đến đầu tháng 3/2020, đã có tổng cộng hơn 24.300 dự án đã được lắp đặt vận hành, với tổng công suất là 465,8 MWp. Tuy nhiên, theo nhận định của EVN, đây vẫn là mức rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái ở nước ta. Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, với tiềm năng của Việt Nam, con số các dự án điện mặt trời áp mái có thể đạt gấp 5 lần như hiện nay.
Một trong những nguyên nhân làm điện mặt trời áp mái phát triển chững lại là do người dân vẫn đang chờ ban hành giá điện mặt trời mới sau thời điểm kết thúc ưu đãi giá FIT cho điện mặt trời 30/6/2019, theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống trong cả 2 tháng đầu năm 2020 là 36,2 tỷ kWh. Công suất phụ tải đỉnh trong 2 tháng đầu năm đã lên tới 35.000 MW. Sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày trong cả 2 tháng đầu năm là 615 triệu kWh/ngày, tăng 7,5% so với 2019.
Cán bộ EVN triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các tòa nhà. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Như vậy, mặc dù nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ đầu tháng 2, nhưng tình hình phụ tải tiêu thụ điện của toàn quốc vẫn tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ.
Tình hình nước về các hồ thủy điện hiện vẫn đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Sản lượng huy động từ thủy điện trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 3,37 tỷ kWh, thấp hơn kế hoạch 2,19 tỷ kWh.
Ngay trong 2 tháng đầu năm, mặc dù phụ tải chưa phải tăng cao nhưng toàn hệ thống cũng đã phải huy động 230 triệu kWh chạy bằng nguồn điện chạy dầu có giá thành cao để giữ nước các hồ thủy điện phục vụ yêu cầu vận hành trong cả mùa khô.
Hiện nay, hầu hết các hồ lớn khu vực miền Bắc có nước về thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ đạt đạt từ 17-83% trung bình nhiều năm. Ở khu vực miền Trung, tình trạng thiếu hụt nước còn nghiêm trọng hơn, hầu hết các hồ có nước về thấp hơn, chỉ đạt từ 2-76% trung bình nhiều năm. Trong đó, các hồ có nước về kém nhất là: Bình Điền, A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Buôn Kuốp, Srê Pok 3... Còn ở  miền Nam, đa số các hồ có cũng có diễn biến nước về kém hơn trung bình nhiều năm, lưu lượng nước về đạt từ 12-70% trung bình nhiều năm; trong đó các hồ nước về kém nhất là Đồng Nai 3, Trị An, Đại Ninh.
Với tình trạng nước về các hồ thuỷ điện rất kém so với kế hoạch cũng như trung bình nhiều năm dẫn tới thiếu hụt lớn sản lượng huy động từ thủy điện, việc huy động từ nhiệt điện than, khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện của mùa khô cũng như cả năm 2020.
Tình hình cung cấp điện trong từ tháng 3 đến hết mùa khô 2020 được dự báo còn nhiều khó khăn, EVN đã kiến nghị các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân thường xuyên quan tâm nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn và tiết kiệm, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…) để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí tiền điện cho khách hàng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục