Lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

16:31' - 30/11/2022
BNEWS Ngày 30/11, tại Tp.Hồ Chí Minh, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.

Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hưng, một phần quan trọng khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp là do những công ty phát hành công bố thông tin sai sự thật, thông tin giả, chất lượng tài sản đảm bảo hạn chế hoặc không có tài sản đảm bảo.

Trong khi nhiều đơn vị hoạt động môi giới trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định, không có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán.

 

Ông Hưng cho rằng, thị trường trái phiếu nói chung vẫn còn nhiều doanh nghiệp lành mạnh. Những trái phiếu có tài sản đảm bảo thì tính an toàn vẫn cao. Do vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu thông tin từ những nguồn tin cậy, minh bạch. Trước khi tiến hành đầu tư, nên quan sát thực trạng doanh nghiệp và ghi nhận thông tin từ những nguồn tin chính thống, rõ ràng.

Trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư nghe tin đồn thổi, tin hành lang và tiến hành đầu tư dẫn đến rủi ro. Song song đó, các đơn vị môi giới như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán cần minh bạch hơn trong quá trình tư vấn phát hành trái phiếu.

Ở góc độ chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, một trong những dấu hiệu để nhận định trái phiếu doanh nghiệp an toàn là lãi suất cao không quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng. Những công ty phát hành là công ty  cổ  phần  đại  chúng  niêm  yết  hoặc  được  tổ  chức  xếp  hạng uy tín đánh giá AAA.

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, nhà đầu tư nên tìm hiểu những công ty nổi tiếng, nằm trong top 500 doạnh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Các công ty này thường phát hành trái phiếu với lãi suất nằm giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hoặc cao hơn tối đa 4%, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất có thể nằm ở mức 14% trở xuống. Như vậy, mức lãi suất này cho thấy tính ổn định và tương đối an toan, giảm tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư.

Đối với những vấn đề liên quan đến áp lực trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng, trước hết doanh nghiệp phải tính toán khả năng từ nội tại của mình. Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực.

Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn.

Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Chẳng hạn, vừa qua Citi Bank đã đồng ý chuyển đổi trái phiếu Novaland thành cổ phiếu NVL với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá NVL chỉ hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Riêng với những doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém quả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, “doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, doanh nghiệp buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm giải pháp từ bên ngoài thị trường”, ông Mã Thành Danh nói./.

>>>Yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đúng hạn nợ lãi và gốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục