Lấy ý kiến hoàn thiện đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020

14:50' - 26/08/2016
BNEWS Mục tiêu là soạn thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020 gắn với với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hoàn thiện đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh minh họa:TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đang tiến hành lấy ý kiến các Bộ, ngành đóng góp để hoàn thiện Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020. Mục tiêu chủ yếu của Đề án là soạn thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020 gắn với với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 18/10/2011 của Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 28/11/2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 về Phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013–2020 (Quyết định 339).

Theo dự thảo Đề án, qua 3 năm thực hiện, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 29%.

Tái cơ cấu đầu tư công bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tỉ trọng đầu tư công giảm dần, đầu tư ngoài nhà nước tăng lên, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Nợ xây dựng đang từng bước được xử lý và kiềm chế.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đạt được những kết quả tích cực. Thể chế quản lý DNNN tiếp tục được hoàn thiện, chính sách quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được ban hành. Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 558 doanh nghiệp; trong đó cổ phần hóa được 478 doanh nghiệp, đạt 93% kế hoạch; sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn hạn chế. Từ đó, dẫn đến nhiều nội dung tái cơ cấu triển khai còn chậm so với kế hoạch. Nhiều đề án tái cơ cấu đã được ban hành nhưng nội dung đề án còn chung chung, thiếu chỉ tiêu đánh giá, chưa thể hiện rõ định hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Việc triển khai chủ trương tái cơ cấu chưa được đồng bộ, đồng đều ở các Bộ, ngành, địa phương. Một số địa phương chưa có sự tích cực trong chỉ đạo tái cơ cấu, thực hiện kế hoạch, Đề án tái cơ cấu tổng thể, Đề án tái cơ cấu các ngành lĩnh vực…

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen đối với tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đổi mới thể chế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, nâng cao trình độ thể chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế là những xu hướng Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh.

Trong dự thảo đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020 nêu rõ, mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này là tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Theo đó, 3 mục tiêu thành phần của tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm: đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và phát triển bền vững; cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế thông qua việc các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế.

Theo dự thảo Đề án, mục tiêu cụ thể đến năm 2020: duy trì ổn định lạm phát và neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%/năm; giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống 3,5-4% GDP; giảm nợ công xuống mức dưới 62% GDP; và củng cố dự trữ ngoại hối lên khoảng 5 tháng nhập khẩu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục