Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có nhiều mâu thuẫn với luật chuyên ngành

11:53' - 23/08/2016
BNEWS Quá trình thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 có sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa hai luật này với quy định của các luật chuyên ngành khác.
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều mâu thuẫn và chống chéo. Ảnh minh họa: TTXVN

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hai Luật này đã nhiều vướng mắc phát sinh, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh hiện nay, cần rà soát lại các luật về đầu tư kinh doanh để tìm kiếm những điểm bất hợp lý và còn chưa tương thích để điều chỉnh. Nếu cần thiết thì bãi bỏ để phục vụ sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay.

Không ít vướng mắc phát sinh

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đơn vị tham gia soạn thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thẳng thắn chỉ ra, sau hơn 1 năm triển khai, Luật này bước đầu đã đi vào cuộc sống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và an toàn hơn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế quá trình thực thi vẫn còn không ít vướng mắc phát sinh; trong đó, có sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với quy định của các luật chuyên ngành khác.

Ngoài ra, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với các quy định của các luật chuyên ngành mới chỉ là những phát hiện mang tính hình thức, chưa xác định được nội dung cụ thể gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Đinh Thị Kim Anh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội cho rằng, hiện nay, việc áp mã ngành kinh tế khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh quá rắc rối, phức tạp. Theo Luật Đầu tư sửa đổi, doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành nghề không bị cấm vì vậy doanh nghiệp tự áp mã khi đăng ký kinh doanh.

“Thoạt đầu thủ tục áp mã tưởng đơn giản nhưng rất khó khăn. Doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư bị từ chối vì áp mã không phù hợp. Chúng tôi đề nghị việc áp mã nên để nhà nước làm thay doanh nghiệp” - bà Kim Anh kiến nghị.

Bà Kim Anh cho hay, về quy định khắc dấu, thời gian công bố mẫu dấu trên cổng thông tin điện tử tốn nhiều thời gian. Nhiều nghị định hướng dẫn thi hành luật quy định đã chặt chẽ hơn nhưng lại “đẻ thêm giấy phép con”.

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM cho rằng, đơn vị soạn thảo luật cần tập trung sửa đổi các quy định chưa cụ thể, rõ ràng giữa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 với các luật chuyên ngành. Chẳng hạn, quy định về đăng ký doanh nghiệp.

Trên thực tế, một số hoạt động kinh doanh như chứng khoán, bảo hiểm, giám định tư pháp, luật sư, công chứng… hoạt động dưới các hình thức doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, nhưng lại thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định riêng và tại cơ quan khác.

Hoặc, quy định quyền của cổ đông phổ thông tại Luật Doanh nghiệp 2014 chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến cổ đông nhỏ khó tiếp cận thông tin của các cổ đông khác trong công ty. Điều này làm giảm hiệu lực quy định về bảo vệ cổ đông nhỏ của Luật Doanh nghiệp. Vì vậy quyền của cổ đông phổ thông cần quy định rõ hơn trong việc tiếp cận thông tin về cổ đông trong công ty.

Cũng theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định việc ủy quyền dự họp đại hội đồng cổ đông phải thực hiện theo mẫu ủy quyền do công ty phát hành. Tuy nhiên, quy định này “vô tình” gây khó khăn cho cổ đông, cổ đông nhỏ ủy quyền cho người khác dự họp đại hội đồng cổ đông.

Tại hội thảo về Dự thảo luật sửa đổi bổ sung các luật khác về đầu tư kinh doanh do CIEM vừa tổ chức, Luật sư Nguyễn Kim Dung, Giám đốc pháp chế và đối ngoại Apollo Việt Nam kiến nghị bãi bỏ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tại các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục.

Cụ thể, tại điều 31, Luật Đầu tư 2014 quy định thẩm định dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ không có dự án về giáo dục.

Nhưng theo điều 32 khoản 3 Nghị định 73/2012 hướng dẫn Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục thì dự án giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phải có chủ trương của Chính phủ. Theo Luật Giáo dục đại học, điều 22, khoản D yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải có giấy chứng nhận đầu tư.

Như vậy, quy định tại Nghị định 73 trái với Luật Đầu tư. “Chúng tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo luật bãi bỏ khoản 2 điều 32 của Nghị định 73/2012 để phù hợp với Luật Đầu tư” - bà Dung cho biết.

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, vẫn còn một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, gây ít nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đầu tư cũng như giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan đăng ký đầu tư.

Cụ thể như hướng dẫn liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư, hướng dẫn về việc thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư… vẫn trong quá trình dự thảo, chưa được ban hành.

Rà soát để điều chỉnh

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết: “Đề án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh tập trung vào sửa đổi các quy định của luật, sửa từ “gốc”, chứ không sửa các quy định nằm ở các nghị định hay thông tư.

Nhiều điều kiện kinh doanh còn tồn tại gây méo mó môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo cách tiếp cận này, việc sửa đổi, bổ sung sẽ tập trung vào những quy định không rõ ràng nhìn dưới góc độ của từng luật. Tiếp đến là, sửa đổi, bổ sung nhìn dưới góc độ tổng quan toàn bộ quy trình thực hiện dự án của doanh nghiệp trên một hệ quy chiếu để chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong các quy định của từng luật."

Cùng quan điểm trên, nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra gần 150 điểm chưa phù hợp nằm trong 37 luật khác nhau như Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường… Thậm chí, theo thống kê, có luật còn tới 12 điều khoản không hợp lý.

Đáng chú ý như Luật Xây dựng có các điều khoản không hợp lý, cần sửa đổi như: lập và thẩm định dự án đầu tư xây dựng (Điều 56, 57, 58); tham vấn cộng đồng về quy hoạch (Điều 16); thẩm định thiết kế (Điều 82); điều kiện cấp giấy phép xây dựng (Điều 91-93), thẩm định cấp phép xây dựng (Điều 102)…

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, qua rà soát cho thấy, cần phải thay đổi tư duy làm luật. Nếu cứ như lâu nay, một luật thi hành 4 - 5 năm rồi mới tổng kết, sửa đổi thì sẽ lỡ hết cơ hội của nền kinh tế.

Ông Lộc đề nghị phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư - kinh doanh. Trong đó, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự phải được coi là các luật quy định các nguyên tắc chung.

Các luật chuyên ngành có quy định liên quan đến đầu tư, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, giao dịch dân sự không được quy định mâu thuẫn hoặc trái với các nguyên tắc chung đó. Có như vậy, hành trình đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp mới bớt rủi ro.

“Việc lập danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế cơ quan quản lý nhà nước lạm quyền xác nhận, cấp phép quá nhiều.

Đây cũng là cơ sở để chấm dứt tình trạng phát sinh giấy phép con, tăng cường hậu kiểm cho các cơ quan quản lý nhà nước, cho phép doanh nghiệp thực hiện quyền tự cam kết và chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng điều kiện kinh doanh…”- ông Lộc đề xuất.

Còn Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ, hiện nay, vẫn còn một số văn bản chuyên ngành quy định về hoạt động đầu tư nước ngoài được ban hành trước khi Luật Đầu tư năm 2014 ra đời nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như Nghị định 73/2012/NĐ-CP…

Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước được thống nhất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài được yên tâm đầu tư tại Việt Nam.

Là đơn vị chủ trì soạn thảo luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, đã có một số ý kiến của nhà đầu tư phàn nàn vì phải thực hiện quá nhiều thủ tục khi đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia để cân nhắc sửa đổi Luật cho phù hợp trong tình hình mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục