Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

19:54' - 08/08/2018
BNEWS Chiều 8/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Chiều 8/8/2018, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thảo luận, cho ý về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ảnh: Dương Giang – TTXVN

Cân nhắc, thận trọng

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trên cơ sở xin ý kiến các đại biểu, Quốc hội đã thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tại phiên họp, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Luật Giáo dục hiện hành quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.

Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Loại ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại.

Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ ý kiến thứ nhất.

Nhấn mạnh Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia vừa qua để lại nhiều dư âm đang phải xử lý, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng, cần thận trọng, xin thêm ý kiến của cử tri, chuyên gia...Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị lùi dự án Luật thêm kỳ họp nữa, đến Kỳ họp thứ 7 mới quyết thì “chín” hơn và cũng để cử tri thấy Quốc hội thận trọng tìm giải pháp trước tình hình vừa qua.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm: Có ý kiến cho rằng việc thi để cấp bằng là cần thiết, là cơ sở đánh giá mức độ đạt chuẩn. Tuy nhiên cũng có quan điểm đề nghị không thi mà chỉ xét cấp bằng. “Có ý kiến cử tri đặt vấn đề tại sao phải tổ chức thi khi mà 98% đỗ, 2% trượt, gây tốn kém khi tổ chức cả một kỳ thi. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn nếu không thi thì việc dạy và học thế nào để đảm bảo nghiêm túc, chất lượng?”.

Là người có 15 năm giảng dạy và tham gia chấm thi ở trường đại học, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ủng hộ phương án kỳ thi “2 trong 1” xuất phát từ mục đích đỡ gây tốn kém, áp lực cho thí sinh và gia đình, đồng thời, mang tinh thần nghiêm túc của kỳ thi đại học trước đây ảnh hưởng vào kỳ thi phổ thông. Qua đó, chọn được học sinh cũng như tăng tính cạnh tranh của các trường đại học. Ngoài ra, bà Hải đề xuất phương án thứ ba, tức là tổ chức hai kỳ thi. Theo đó, thi trung học phổ thông làm cơ sở tham khảo cho các trường đại học, trường nào muốn tổ chức thi riêng sẽ thi riêng.

Nhấn mạnh thi trung học phổ thông là vấn đề liên quan đến toàn dân, tác động lớn đến xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị, nên lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân vì còn ý kiến khác nhau. Từ đó, khi đưa ra quyết định sẽ hợp lòng dân, đồng thời, nhân dân cũng sẽ đánh giá cao quyết sách của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ, từ thực tiễn xảy ra thời gian qua cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, nghiên cứu lấy thêm ý kiến nhân dân để chọn ra giải pháp thi cử ổn định. “Đây là dự án luật quan trọng, tác động lớn đến mọi đối tượng và toàn xã hội, được nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, cũng là thách thức với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những vấn đề lớn, chính sách cụ thể cần thêm thời gian phân tích, đưa ra giải pháp khả thi trong điều kiện bối cảnh kinh tế xã hội nước ta”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp, tiếp tục trình Quốc hội xin ý kiến tại Kỳ họp 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: Từ dự án luật sửa đổi một số điều thành dự án luật sửa đổi toàn diện nên giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó tổng hợp, hoàn thiện trình Quốc hội. Sau khi xảy ra tiêu cực thi cử tại một số tỉnh thời gian qua thì nhân dân rất quan tâm luật này, không thể không lấy ý kiến rộng rãi vì vấn đề này “đụng” tới từng nhà”.

Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học

Tại phiên họp chiều 8/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu, lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định, có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Liên quan đến trách nhiệm giải trình, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định chi tiết các nội dung mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu phí dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng hoạt động.

Về tự chủ đại học, các đại biểu đề nghị quy định rõ nội dung, mức độ, lộ trình, thời gian, các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cơ sở giáo dục đại học ở từng loại hình, khu vực, gắn với việc đổi mới, quản trị đại học.

Bên cạnh đó, đề nghị tăng cường kiểm định, công khai chất lượng đào tạo; làm rõ các yêu cầu, nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.

Một số ý kiến tại phiên họp đề nghị quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ của các trường đại học, tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản trị của cơ sở giáo dục đại học; xem xét xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với trường đại học; tái cấu trúc mạng lưới theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quy định rõ về xếp hạng đại học theo thông lệ quốc tế, có cơ chế cho chuyển đổi mục đích hoạt động của các loại hình trường./.

>>>Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học là vấn đề bắt buộc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục