Liên kết đánh bắt xa bờ - Bài 1: Niềm vui từ những con tầu vươn khơi

06:09' - 21/09/2016
BNEWS Mô hình tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển đang hình thành ngày một nhiều đáp ứng yêu cầu liên kết khai thác thủy sản dài ngày tại những ngư trường xa.
Liên kết đánh bắt xa bờ để nâng sức mạnh vươn xa. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Những năm gần đây số lượng tàu cá của ngư dân Việt Nam có sự gia tăng đáng kể. Cùng với sự phát triển về số lượng tàu đánh bắt xa bờ, các mô hình tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển cũng hình thành ngày một nhiều đáp ứng yêu cầu liên kết khai thác thủy sản dài ngày tại những ngư trường xa.

Mục tiêu chính của các tổ đội là hình thành một liên kết ngang trong chuỗi giá trị, hiệu quả, an toàn khi hoạt động trên biển của các đội tàu khai thác xa bờ.

Theo Hội nghề Cá Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng 3.800 tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển gồm 21.400 tàu cá, với trên 135.800 lao động và số tổ đội này đang tiếp tục tăng lên.

Các tổ đoàn kết được thành lập theo nguyên tắc “ba cùng” gồm cùng nghề, cùng ngư trường và cùng địa phương; hoạt động tự nguyện, bình đẳng, tuân theo quy ước hoạt động của tổ.

Các tàu trong tổ hợp tác khai thác hải sản thường hỗ trợ nhau trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giúp nhau về thiết bị vật tư, nhân lực, sửa chữa máy móc khi hỏng hóc trên biển; thông tin về ngư trường; vận chuyển hải sản đánh bắt về đất liền; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ kết nối thông tin từ tàu về đất liền và ngược lại...

Anh Nguyễn Thanh Tiến ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam- chủ nhân của chiếc tàu vỏ thép Qna 91327 được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản với tổng kinh phí 15,5 tỷ đồng. Chiếc tàu được trang bị nhiều loại máy móc đánh bắt, thiết bị thông tin liên lạc, hầm bảo quản hiện đại phục vụ cho những chuyến biển dài ngày.

Theo anh Tiến, con tàu không chỉ là niềm vui của riêng gia đình anh mà còn là niềm vui chung của tổ đội đoàn kết đánh bắt số 7 mà anh là một thành viên.

Liên kết để nâng sức mạnh của tổ để vươn tới những ngư trường xa hơn. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ số 7 được thành lập cách đây 3 năm, gồm 6 chiếc tàu vỏ gỗ, hành nghề lưới vây và chụp mực ở ngoài khơi xa. Việc đưa vào hoạt động của chiếc tàu vỏ thép Qna 91327 sẽ nâng sức mạnh của tổ để vươn tới những ngư trường xa hơn.

Xã Tam Quang là địa phương đi đầu trong phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Núi Thành. Ngư dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi bám biển. Với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2010 đến nay, ngư dân trong xã đã đầu tư đóng mới 27 chiếc tàu với tổng số tiền 27,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, 13 ngư dân của xã Tam Quang cũng tiếp cận được nguồn vốn từ Nghị định 67 để đóng mới 3 con tàu vỏ gỗ và 10 tàu vỏ thép, với tổng kinh phí 150 tỷ đồng. Hiện nay, xã Tam Quang có 18 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 110 chiếc tàu có công suất từ 90CV trở lên tham gia.

Mặc dù, có sự gia tăng về số lượng tàu đánh bắt xa bờ cũng như các tổ đội liên kết nhưng trong quá trình phát triển mô hình tổ đội cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ.

Một trong nhưng ưu điểm của mô hình tổ đội hiện nay chính là việc giúp nhau cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp tàu thuyền bị sự cố hư hỏng khi đang đánh bắt. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Vụ phó Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), hiện nay ngư dân cứ nghĩ cứu hộ là trách nhiệm giữa các tàu với nhau mà không nghĩ tới chi phí thù lao cứu hộ.

Chi phí cho việc lai dắt tàu bị nạn vào bờ rất tốn kém, các tàu trong tổ có thể giúp nhau một đến hai lần nhưng nếu lặp lại nhiều lần sẽ vượt khả năng tài chính của các thành viên trong tổ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục