Liên kết hướng tới chăn nuôi bền vững

17:42' - 22/06/2018
BNEWS Giá lợn sụt giảm làm nhiều chủ trang trại điêu đứng, dẫn tới phải treo chuồng.
Trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Sóc Sơn.Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Năm vừa qua là một năm khủng hoảng nhất của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng trong hơn 10 năm trở lại đây. Giá lợn sụt giảm làm nhiều chủ trang trại điêu đứng, dẫn tới phải treo chuồng.

Trong "cái khó ló cái khôn" vẫn có nhiều mô hình chăn nuôi không những tồn tại và còn phát triển tốt; trong đó, tiêu biểu là mô hình chăn nuôi của anh nông dân Nguyễn Hữu Mẫn ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Với diện tích hơn 3.000 m2, anh Nguyễn Hữu Mẫn đã xây dựng chuồng trại theo kiểu bán công nghiệp, với gần 1.000 con lợn kể cả lợn giống và lợn nuôi lấy thịt.

Nếu như cuối năm 2015 và đầu 2016, giá lợn tăng rất mạnh thì từ nửa cuối năm 2016 đến hết năm 2017, lại là giai đoạn mà chăn nuôi lợn điêu đứng. Nhớ lại năm 2017, khi thị trường thịt lợn chao đảo, giá lợn chạm đáy, anh Nguyễn Hữu Mẫn cho biết, dù bỏ công sức biết bao vất vả nhưng có thời điểm thịt lợn bán ra chỉ được 13 triệu đồng/tấn trong khi những năm trước đó, giá thịt lợn thấp nhất cũng đã là 33 triệu đồng/tấn, không đủ bù tiền thức ăn.

Anh Mẫn nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng giá thịt lợn xuất phát từ chính tư duy chăn nuôi ngắn hạn của bà con nông dân. Thời điểm năm 2015-2016, giá lợn giống rất cao, trung bình 1,5 triệu đồng/con. Mỗi năm lợn nái đẻ được khoảng 2 lứa, mỗi lứa 6-7 con, người dân có thể dễ dàng thu được khoảng 10 triệu đồng.

Chính vì thế, nhiều người “chạy đua” nuôi lợn mong nhanh chóng kiếm món lời. Họ “đổ xô” bỏ vốn xây dựng chuồng trại, đầu tư nuôi lợn thịt trong cùng một thời điểm dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá lợn xuống thấp, người nông dân lại “khóc ròng” vì thua lỗ.

Anh Mẫn bày tỏ, thời kỳ khủng hoảng, trang trại của anh có hơn 10 con lợn nái và hàng trăm con lợn thịt. Lợn thịt chưa bán ra được nhưng lợn nái vẫn tiếp tục sinh sản, khó khăn này khiến anh cảm thấy chán, nhưng không nản. Rút kinh nghiệm từ thực tế thị trường, với hệ thống chuồng trại đã ổn định, anh Mẫn tìm cách vượt cơn “bão giá” bằng cách tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên là bèo, bã rượu để duy trì đầu con, nhất định không bỏ chuồng, chờ đến khi giá lợn tăng trở lại.

Ngay từ đầu, anh Mẫn không tham rẻ mà mua quá nhiều con giống, nên thiệt hại không đáng kể. Bên cạnh đó, khi giá lợn tăng nhiều người mở rộng chăn nuôi thì anh nuôi cầm chừng và giá lên cao không "găm hàng" mà sẽ bán ra tiếp tục tái đàn. Tin mừng là khi cơn khủng hoảng qua đi, giá thịt lợn dần ổn định trở lại.

Đến tháng 3/2018, thịt lợn anh Mẫn xuất ra đã lên mức 33 triệu đồng/tấn, thêm một khoảng thời gian anh đã bán được 20 con lợn với giá 43 triệu đồng/tấn, anh Mẫn phấn khởi vì mức giá này đã cao gấp 3 lần so với năm trước.

Anh Mẫn chia sẻ, hiện nay mỗi năm trang trại của anh cung cấp cho thị trường khoảng 15 - 20 tấn thịt lợn, thu nhập bình quân khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng mỗi năm, trừ các chi phí chăn nuôi thu lời khoảng 300 triệu đồng. Anh cũng vừa ký hợp đồng với một số khách sạn để mua đồ ăn thừa phục vụ chăn nuôi.

Theo anh Mẫn, khoảng 10 năm trước, lợn nuôi theo phương thức truyền thống có trọng lượng khá thấp, cao nhất chỉ khoảng 60-70kg. Lợn ngày nay to hơn rất nhiều, con lợn càng to giá càng cao, càng nhiều nạc. Nuôi lợn bằng thức ăn tự nhiên như anh có thể khiến lợn tăng trưởng chậm hơn so với các hình thức chăn nuôi khác, nhưng anh Mẫn khẳng định không có hooc-môn tăng trọng, men trong bã rượu cũng khiến thịt lợn ngon hơn, thơm hơn.

Nói về thực tế chăn nuôi lợn ở Việt Nam, ông Hoàng Thanh Vân (Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, qua đợt khủng hoảng này, cho thấy những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong chăn nuôi lợn của Việt Nam như tiêu tốn thức ăn, chất lượng thịt lợn gắn với an toàn thực phẩm, công nghệ chăn nuôi vẫn còn nhiều những chỉ số khiếm khuyết, điều này khiến giá thành sản xuất vẫn còn rất cao và kém cạnh tranh so với mặt bằng chung của thế giới

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Sở cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên tập trung vào chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ thay vì phát triển tăng đầu con hướng tới nâng cao chất lượng đàn lợn.

Các trang trại nên tập trung vào công nghệ cao để giảm giá thành nâng cao sức cạnh tranh và hình thành các vùng chăn nuôi có quy mô lớn.

Để ổn định ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng thì yêu cầu cấp thiết hiện nay phải tổ chức tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng đàn lợn bằng cách đầu tư con giống tốt, tăng tỷ lệ sử dụng giống lợn nhập ngoại, lợn hướng nạc. Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư ứng dụng công nghệ cao. Tập trung theo hướng sản xuất con giống là chính để nâng cao hiệu quả chăn nuôi; trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục