Liên kết nâng chất lượng nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ

10:34' - 26/03/2023
BNEWS Nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Để tăng cường nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) có buổi làm việc kết nối giữa doanh nghiệp hội viên HANSIBA và Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực HANSIBA, phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA riêng trong năm 2023.
Trong đó, về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay HANSIBA đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Việc làm này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp; mặt khác sinh viên các trường có cơ hội tiếp cận với các kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.
“Đây được xem là hướng đi ngắn nhất trong việc đáp ứng cung-cầu về nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ trước mắt cũng như lâu dài”, ông Nguyễn Vân nhận định.

Theo đó, để nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, cần thiết phải có những quy chuẩn kỹ thuật về kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn chung quốc tế, chú trọng phương thức đào tạo, hệ thống chứng chỉ để sẵn sàng thực hiện trao đổi lao động khu vực và quốc tế; đưa ra các kế hoạch đào tạo nguồn lực bài bản và có lộ trình cho ngành công nghiệp hỗ trợ, có những chế độ đãi ngộ để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. 


Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao. Nắm bắt được thực tế này, thời gian qua, nhà trường đã tập trung đào tạo các chuyên ngành phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ; đồng thời đào tạo ngoại ngữ để tăng khả năng thích nghi của người lao động trong môi trường làm việc có áp lực cạnh tranh cao.
 

“Nhà trường không chỉ dạy lý thuyết cho sinh viên mà tăng cường đào tạo thực hành ở các xưởng sản xuất thực tế. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác đào tạo giữa các trường đại học, trường đào tạo nghề và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ”- ông Phạm Xuân Khánh chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Khánh cho biết thêm, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội phấn đấu trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo nghề chất lượng cao. Trở thành đơn vị đào tạo nghề công nghệ số một của cả nước, có uy tín cao trong khu vực và đạt chuẩn quốc tế. Các ngành đào tạo nổi bật của nhà trường bao gồm: Cơ điện tử; cơ khí chế tạo; công nghệ hàn; chế tạo thiết bị cơ khí; chế tạo khuôn mẫu; vẽ và thiết kế cơ khí; sửa chữa, bảo dưỡng máy công nghệ cao CNC; công nghệ ô tô; điện công nghiệp…
Các doanh nghiệp thành viên HANSIBA cũng đã tìm hiểu thực tế đào tạo cũng như kết nối nhu cầu đào tạo tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao công tác đào tạo của nhà trường, đây sẽ là địa chỉ uy tín cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô nói riêng, ngành công nghiệp hỗ trợ cả nước nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục