Liên kết phát triển để phù hợp với xu thế phân phối hiện đại

14:41' - 11/04/2024
BNEWS Phó Thủ tướng cũng lưu ý hợp tác xã với vai trò chủ thể, cầu nối dẫn dắt chuỗi phải chủ động nâng cao năng lực điều hành, quản lý thích ứng với xu hướng bối cảnh mới.

Hiện nay, việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản trên nền tảng kinh tế tập thể gắn với hệ thống phân phối hiện đại nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Chính phủ. Theo đó, nhiều chính sách phát triển kinh tế tập thể được ban hành và gần đây nhất là Luật Hợp tác xã năm 2023 đã tạo môi trường phát triển kinh tế tập thể được mở rộng và tạo nền tảng pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của một số hợp tác xã vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn được với xu hướng phát triển của thị trường.

Do đó, tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 11/4, nhiều ý kiến cho rằng sản xuất theo chuỗi giá trị là yếu tố tiên quyết trong việc tạo dựng chuỗi giá trị.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị bộ, ngành, địa phương bám sát, quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ về chính sách phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Về liên kết theo chuỗi giá trị, rà soát cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, Phó Thủ tướng yêu cầu cụ thể ra cơ chế chính sách, nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tiến độ thực hiện. 

Cùng đó, tổ chức, củng cố xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, hiện nhỏ lẻ, cơ giới hóa khó nên cạnh tranh không hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố cần phối hợp để thực hiện hiệu quả. Trong số đó, chú trọng tới đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng

 

Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; vùng nguyên liệu nông lâm sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đầu tư, phát triển hạ tầng, thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vùng nguyên liệu bền vững và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. 

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần cân đối nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển chuỗi giá trị trong từng giai đoạn; UBND các tỉnh thành phố triển khai chính sách hỗ trợ, lồng ghép nguồn vốn để việc liên kết, phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý hợp tác xã với vai trò chủ thể, cầu nối dẫn dắt chuỗi phải chủ động nâng cao năng lực điều hành, quản lý thích ứng với xu hướng bối cảnh mới. Tổ chức sản xuất kinh doanh công khai, minh bạch; trao đổi, thương lượng, chia sẻ rủi ro bất khả kháng trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết. 

Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát huy tốt vai trò cầu nối của Đảng, Nhà nước, bám sát khó khăn của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước, tham gia hiệu quả chuỗi liên kết sản phẩm, thông qua kinh nghiệm của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trên thế giới. 

“Chính phủ luôn khuyến khích, quan tâm tới khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã để có cơ chế, chính sách, giải quyết điểm nghẽn thực hiện tốt mục tiêu, chương trình đề án do Chính phủ ban hành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan, bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Agriterra Việt Nam cho biết, Hà Lan thuộc top 10 quốc gia đổi mới sáng tạo. Công nghệ giúp hợp tác xã cạnh tranh với thị trường và vươn lên. Cạnh tranh được với các nhà bán lẻ và siêu thị lớn. Hơn nữa, hợp tác xã áp dụng chiến lược gia tăng giá trị, sản phẩm không liên quan trực tiếp đến thành viên sẽ tiến hành khi không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của thành viên.

 

Trong bối cảnh nông nghiệp hiện nay liên tục thay đổi, thị trường yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Liên kết mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp và vùng nguyên liệu, giữa người sản xuất quy mô nhỏ với nhau. Bên cạnh đó, thay đổi về nhu cầu của khách hàng về loại sản phẩm, hình thức sản phẩm, chất lượng, độ an toàn, khẩu vị và sự tập trung vào sản phẩm bổ dưỡng/hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), trong lĩnh vực thương mại hiện đại, số lượng nhà phân phối hợp tác xã còn ít trong các loại hình siêu thị và phân phối hiện đại, ước tính hợp tác xã có tỷ trọng đóng góp doanh số dưới 3% trong nhà phân phối hiện đại lĩnh vực siêu thị. Ngoài ra, quy mô sản xuất của một số hợp tác xã vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn được với xu hướng phát triển của thị trường, sản phẩm của hợp tác xã là những sản phẩm cung ứng trong phạm vi địa lý hẹp và chưa đáp ứng cho thị trường phân khúc cao…

Ông Nguyễn Anh Đức cho hay, năm 2024 được dự đoán sẽ là một năm thách thức nên để không bị tụt hậu, tới đây cần tiếp tục hoàn thiện những cơ chế chính sách đảm bảo đồng bộ trong việc tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển, nhất là các tổ chức hợp tác xã tham gia vào khâu của chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản.

Đồng thời, kêu gọi hợp tác xã cùng hợp tác, với sự chủ trì của Liên minh Hợp tác xã các cấp, để hình thành các tổ chức “nhóm liên minh”, “liên đoàn” nhằm hợp lực, gia tăng sức mạnh đàm phán của các tổ chức hợp tác xã và kết nối các chuẩn mực. Xây dựng mô hình “Liên đoàn Hợp tác xã” để gia tăng sức mạnh các tổ chức hợp tác xã cùng ngành nghề.

 

Song song đó, các tổ chức hợp tác xã cùng hợp tác trên cơ sở chủ trì của Liên minh Hợp tác xã các địa phương nhằm phối hợp hình thành sàn giao dịch hàng nông sản của hợp tác xã và nhà sản xuất khác hoạt động với tính chất điểm kết nối chung trên nền tảng công nghệ số và tổ chức dưới mô hình hợp tác xã.

Bàn về yếu tố sống còn trong mối liên kết, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Tập đoàn Lộc Trời đi từ việc nhỏ, ngay từ giai đoạn đầu xác định là người phục vụ bà con nông dân từ giống, dịch vụ, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu. Dần dần, Lộc Trời khuyến khích liên kết bà con nông dân liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân và hợp tác xã cần liên kết với nhau thật tốt tổ chức nguồn nguyên liệu, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Điều này cần sự tham gia đầu tư sâu của doanh nghiệp về thị trường, đầu tư cơ sở vật chất, cam kết chất lượng sản phẩm theo quy trình canh tác và yêu cầu của đơn đặt hàng…

Với mong muốn được hỗ trợ trong việc tiếp cận nguồn vốn nâng tầm giá trị sản phẩm, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) cho rằng có 3 yếu tố quyết định đến sản xuất gồm: vốn, khoa học kỹ thuật và thị trường. 

“Thiếu vốn đầu tư vào công nghệ, đây là vấn đề nan giải cho hợp tác xã trong nhiều năm qua. Việc huy động vốn của hợp tác xã chủ yếu là vốn góp từ cá nhân và tổ chức nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất”, ông Hùng cho hay.

Ngoài ra, còn vướng mắc về liên kết chuỗi; việc khảo sát và dự báo thị trường cho các hợp tác xã còn yếu kém; năng lực quản lý điều hành hạn chế dẫn đến phương án kinh doanh yếu; quản lý nhà nước vềkinh tế tập thể còn rời rạc, chưa đồng bộ.

“Hiện nay, việc vay vốn khu vực hợp tác xã chỉ chiếm 2%, vì vậy cần tăng định mức cho vay thông qua việc cho hợp tác xã được vay vốn lãi suất thấp, cho vay theo cơ chế đặc thù vùng miền, ngành nghề vì mỗi khu vực có cơ chế, sản xuất đặc thù riêng. Đồng thời, cắt giảm thủ tục không cần thiết, cho hợp tác xã thế chấp tài sản bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Thời gian cho vay tối thiểu 10 năm trở lên để đáp ứng được chu kỳ sản xuất”, ông Hùng kiến nghị.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoan- Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan (Bắc Kạn) đề xuất, nhằm giúp bà con xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế cần được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để bổ sung nguồn vốn lưu động của hợp tác xã mở rộng diện tích, liên kết cho bà con vùng khó khăn. Đồng thời, nâng cao trình độ năng lực cán bộ quản lý. 

Lý giải nguyên nhân tín dụng đối với hợp tác xã nói chung và hợp tác xã tham gia liên kết còn thấp, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài việc liên kết còn hạn chế, quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết hoàn chỉnh, rủi ro thị trường, giá cả, phương án vay vốn kém khả thi, không hiệu quả còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.

Cụ thể như cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế  hợp tác; năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất của hợp tác xã; quy mô, phạm vi hoạt động hẹp; năng lực cạnh tranh còn yếu; minh bạch tài chính, kế toán, dòng tiền; vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động của hợp tác xã.

Để khắc phục khó khăn cho tổ chức tín dụng trong hỗ trợ, cho vay với hợp tác xã, ông Đào Minh Tú cho rằng cần phải khắc phục từ hai phía là cơ quan Nhà nước và hợp tác xã. Theo đó, cơ quan nhà nước cần sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã 2023, trên cơ sở đó triển khai đồng bộ 8 chính sách, tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Ngoài ra, hợp tác xã cần đảm bảo đủ các điều kiện, yêu cầu của một tổ chức hợp tác xã về nguồn vốn, tài sản, nguồn nhân lực, phương án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi, ứng dụng công nghệ...Bên cạnh đó, đảm bảo hoạt động đúng bản chất của hợp tác xã, tăng cường liên kết, sản xuất kinh doanh hiệu quả, minh bạch tài chính, trả nợ đúng hạn, làm cơ sở để tổ chức tín dụng cho vay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục