Liên kết phát triển sản xuất vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu

15:00' - 01/12/2021
BNEWS Phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

Ngày 1/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp trực tuyến với chủ đề "Liên kết phát triển sản xuất vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu" và được kết nối với điểm cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, diễn đàn là cơ hội để góp phần xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm, với người sản xuất và đơn vị quản lý.

Tại diễn đàn, Ban tổ chức đã thông tin về hiện trạng sản xuất cây ăn quả; kết quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình khuyên nông trong sản xuát cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc.

Đồng thời, giải đáp ý kiến của các đại biểu về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã và nông dân trong việc mở rộng thị trường xúc tiến thương mại, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản; xây dựng vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu; các chính sách hỗ trợ nông dân và hợp tác xã tham gia chuỗi sản xuất vùng nguyên liệu chế biến…

Theo ông Nguyễn Doãn Hùng - Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ năm 2015-2019, diện tích cây ăn quả cả nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân 4,3%/năm (35,7 nghìn ha/năm).

Tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước năm 2020 ước đạt 1,135 triệu ha, riêng các tỉnh phía Bắc có gần 441 nghìn ha, chiếm 38,8%. Năng suất bình quân các loại cây ăn quả được cải thiện đáng kể, ước đạt hơn 12 tấn/ha, tăng khoảng 42,8% so với năm 2002 (7 tấn/ha).

Tổng sản lượng các loại cây ăn quả hiện đạt khoảng 12 triệu tấn/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2002 (4,5 triệu tấn).

Hiên nay, toàn vùng có 15 địa phương sản xuất cây ăn quả lớn, quy mô trên 10 nghìn ha/tỉnh và một số tỉnh phía Bắc đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao; từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm. Tổng diện cây có múi của cả vùng năm 2019 khoảng trên 103,4 nghìn ha, sản lượng 894,5 nghìn tấn.

Ông Nguyễn Doãn Hùng cũng cho biết, chương trình khuyến nông về cây ăn quả của các tỉnh phía Bắc giai đoạn 2011-2021 đã có 15 dự án với tổng kinh phí khoảng 55 tỷ đồng.

Thông qua thực hiện mô hình trình diễn, người nông dân trực tiếp được tiếp thu kỹ thuật, kỹ năng canh tác và hưởng lợi trực tiếp từ mô hình; kết quả trình diễn khuyến nông có tác động tích cực tới cộng đồng dân cư nơi xây dựng mô hình và những khu vực lân cận. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao được người dân áp dụng nhân ra diện rộng.

Điển hình như mô hình ghép cải tạo nhãn bằng phương pháp ghép mắt để dần thay thế và cải tạo những diện tích nhãn bị già cỗi, thoái hóa được triển khai tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang, với quy mô 54 ha.

Sau từ 1 – 2 năm, cây ghép đã được thu hoạch, cho ra thị trường sản phẩm quả nhãn chín muộn hơn so với chính vụ 20 đến 30 ngày. Năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng từ 3 – 4 lần, chất lượng quả thơm ngon, cùi dầy hơn nhãn thông thường, đem lại thu nhập cao, ổn định cho các hộ sản xuất.

Là địa phương có vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La chia sẻ, sau 6 năm thực hiện đưa cây ăn quả lên đất dốc, đến tháng 10/2021, tỉnh Sơn La có hơn 82 nghìn ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả ước đạt trên 392 nghìn tấn.

Sơn La bước đầu đã xây dựng những vùng nguyên liệu nông sản tập trung với quy mô lớn, có đầu ra ổn định và một số vùng nguyên liệu nông sản của Sơn La đứng trong tốp đầu cả nước.

Chẳng hạn như: nhãn trên 99 nghìn tấn; mận, mơ hơn 81 nghìn tấn; xoài khoảng 61 nghìn tấn... Cùng với đó, một số sản phẩm của Sơn La đã xuất khẩu sang các thị trường lớn, như: Cà phê xuất sang Đức, Malaysia; chè sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc); tinh bột sắn sang Trung Quốc, Canada; long nhãn sang Trung Quốc, Hàn Quốc...

Cùng với đó, việc thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm quả được tỉnh Sơn La quan tâm và có những chính sách mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, Sơn La còn phát triển gần 500 cơ sở sơ chế, chế biến quả quy mô nhỏ của các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến lượng không nhỏ sản phẩm hằng năm và đã sản xuất ra 28 sản phẩm OCOP...

Theo bà Cầm Thị Phong, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Qua đó, đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất nhằm xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững là cần phải có sự gắn kết giữa người nông dân và doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ sản phẩm.

Cũng tại diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã có những định hướng công tác khuyến nông trong vùng nguyên liệu ở các tỉnh phía Bắc trong thời gian tới.

Theo đó, Trung tâm sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định theo điều kiện đặc thù của vùng và phát huy lợi thế của địa phương.

Tuy nhiên, các tỉnh sớm có giải pháp, cơ chế chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn; tạo điều kiện môi trường thông thoáng, thuận lợi để nâng cao hiệu quả kinh tế của người sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi, lựa chọn công nghệ, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững và các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành, tăng sản phẩm an toàn, hữu cơ…..

Đồng thời, chủ động nguồn giống, nhân giống, cơ chế và chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng giống cung ứng tại chỗ. Từ đó, giảm chi phí; đẩy mạnh kỹ thuật canh tác bền vững, kỹ thuật trồng xen, luân canh và quản lý sâu bệnh hại.

Ngoài ra, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục