Phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, đặc sản

16:23' - 28/07/2021
BNEWS Nhiều chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao cũng như phát triển cà phê đặc sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu với tổng mức đầu tư là 440 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Trong số đó, có hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vùng Tây Nguyên tại Gia Lai, Đắk Lắk. Cùng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhiều địa phương, doanh nghiệp cũng đã nhận thấy, việc chuyển đổi sang sản xuất có chứng nhận là hướng đi để phát triển cà phê bền vững.

Hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng tại Gia Lai, Đắk Lắk sẽ nâng cấp 26 km đường giao thông; xây dựng, nâng cấp 9 sân phơi, nhà kho chứa cà phê với tổng diện tích 17.500 m2; 3 silo bảo quản cà phê chất lượng cao với quy mô khoảng 1.300 tấn.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021- 2030. Đề án được triển khai tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị với tổng diện tích gần 19.000 ha. Trong số đó, giai đoạn 2021 – 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê. Giai đoạn 2026-2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam.

Cà phê đặc sản Việt Nam sẽ tập trung phát triển hai loại gồm: cà phê chè (Arabica) sẽ trồng ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Lâm Đồng, với tổng diện tích đến năm 2030 là 11.620 ha; cà phê vối (Robusta) sẽ được trồng chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và một phần diện tích ở Lâm Đồng, Kon Tum, với tổng diện tích là 7.340 ha.

Một trong những địa phương của tỉnh Quảng Trị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn để xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam là xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá với diện tích khoảng 60 ha.

Huyện Hướng Hóa một trong những vùng trọng điểm trồng cà phê Arabica của Việt Nam, với diện tích khoảng 5.000ha, nổi tiếng trong nước và nước ngoài với thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh. Tại cuộc thi cà phê đặc sản năm 2021 vừa qua, ở hạng mục Arabica, giải Nhất và giải Nhì đều thuộc về các công ty cà phê tại Quảng Trị.

Hiện Đắk Nông là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 3 Tây Nguyên với hơn 120.000 ha, năng suất cà phê bình quân chỉ đạt khoảng 2,3 tấn/ha, thấp hơn so với các tỉnh lân cận.

Mới đây, tỉnh Đắk Nông quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 tiểu dự án nâng cấp đường giao thông phục vụ phát triển bền vững cà phê tại các xã Đức Mạnh, Đắk Sắc, Long Sơn (huyện Đắk Mil); xã Quảng Khê (huyện Đắk G’Long); xã Đắk Nia và các phường Nghĩa Trung, Nghĩa Đức (thành phố Gia Nghĩa).

Tổng vốn đầu tư của 3 dự án hơn 82 tỷ đồng, từ nguồn vốn dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Đắk Nông.

Theo VnSAT tỉnh Đắk Nông, một trong những nội dung trọng tâm của dự án là hỗ trợ canh tác cà phê bền vững, nhằm mục đích gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Các giải pháp chính mà dự án đã triển khai bao gồm: xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; hỗ trợ công nghệ tưới tiết kiệm, phát triển vườn ươm cà phê giống đạt chuẩn; tập huấn về tái canh cà phê...

Đắk Lắk có trên 200.000 ha cà phê; trong đó, diện tích cho sản phẩm là 187.940 ha. Ngành sản xuất cà phê đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, sản lượng cà phê có chất lượng cao đạt khoảng 160.000 tấn, chiếm khoảng 28,77% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh. Sản xuất cà phê có chất lượng cao như cà phê đặc sản, cà phê có chứng nhận hữu cơ đã được mở rộng thêm tuy nhiên quy mô còn nhỏ.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường về sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê hữu có có xu hướng tăng, Đắk Lắk đang xây dựng các chính sách cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào chuỗi sản xuất cà phê chất lượng cao, có chứng nhận như UTZ, 4C, Rainforest Alliance, Fairtrade, cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ…

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 97.000 ha cà phê; trong đó, hơn 34.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, hữu cơ... Để thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển, tỉnh đã xây dựng một số cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án sản xuất, chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh.

Với chính sách mở cửa thị trường, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các công ty tại Gia Lai đang cùng các tổ hợp tác và nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế như: 4C, Rainforest, UTZ. Đặc biệt, sản phẩm cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã được các tổ chức của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc công nhận.

Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, nhiều giải pháp trồng trọt thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ đã được người dân các tỉnh Tây Nguyên áp dụng như: mô hình canh tác thuận thiên không sử dụng nhiều phân bón mà chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, môi trường…

Phương thức này không cho năng suất cao nhưng bù lại, bán được giá hơn do đây là sản phẩm sạch. Hoặc, sử dụng phân bón hữu cơ được ủ từ vỏ trái cây, vỏ hạt cà phê, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tạo ra nguồn phân bón tốt cho cây trồng, giúp nông dân tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng thay đổi cách bón phân, kết hợp các loại phân chậm tan, hòa phân vào hệ thống tưới nước nhỏ giọt để giảm chi phí sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục