Liệu đồng USD tăng giá có dẫn đến khủng hoảng tiền tệ ở châu Á?

06:30' - 19/05/2022
BNEWS Việc đồng USD tăng giá, có thể tiếp tục diễn ra, sẽ gây ra những căng thẳng mới cho các nền kinh tế của khu vực châu Á. Liệu điều này có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới?

Theo bài viết trên báo The Straits Times, với việc tăng giá hơn 8% từ đầu năm đến nay, chỉ số đồng USD - thước đo đồng USD với rổ gồm 6 loại tiền tệ chính - đang ở gần mức cao nhất trong 20 năm qua. Đồng USD cũng đã tăng so với các đồng tiền khác của châu Á cũng như các đồng tiền của thị trường mới nổi.

Tác giả bài viết nhận định, việc đồng USD tăng giá, có thể tiếp tục diễn ra, sẽ gây ra những căng thẳng mới cho các nền kinh tế của khu vực châu Á, nhưng không có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực như từng xảy ra vào năm 1997-1998.

Hai yếu tố chính thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD. Một là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ tháng Ba, và động thái này sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm nay. Yếu tố thứ hai là hiệu ứng “trú ẩn an toàn” của đồng USD vốn là thông lệ trong những thời kỳ bất ổn địa chính trị mà hiện thế giới đang phải trải qua.

Để chống lại áp lực về giá cũng như ngăn chặn đồng tiền mất giá mạnh do đồng USD tăng giá, một số quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Australia, New Zealand, Ấn Độ và Hàn Quốc, gần đây đã buộc phải tăng lãi suất. 

Malaysia đã tăng lãi suất chủ chốt vào ngày 11/5, trong khi Indonesia và Philippines dự kiến sẽ thực hiện biện pháp này trong tháng Năm. Singapore, quốc gia kiểm soát lạm phát thông qua chính sách tiền tệ, đã tăng lãi suất 3 lần kể từ tháng 10/2021. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay và làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đồng USD mạnh hơn cũng gây ra những vấn đề khó khăn cho các nền kinh tế có những khoản nợ bằng đồng USD lớn. Cả mức độ nợ công lẫn tư nhân đã tăng mạnh trong thời kỳ lãi suất gần như bằng 0 từ năm 2008 đến năm 2021. Khi lãi suất tăng, gánh nặng trả nợ cũng tăng theo.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đến cuối năm 2021, dư nợ USD của các tập đoàn phi tài chính của các nước đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 909,4 tỷ USD, trong đó 139,3 tỷ USD đến hạn thanh toán trong vòng một năm. Ngoài các chính phủ, rất nhiều công ty mắc nợ ở châu Á có khả năng phải đối mặt với một số căng thẳng tài chính phát sinh từ sự mạnh lên của đồng bạc xanh và lãi suất của Mỹ cao hơn.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn này, các nền kinh tế của châu Á đều có khả năng chống chọi tốt với đà tăng của đồng USD. Tăng trưởng của các quốc gia này sẽ được lợi từ việc mở cửa trở lại các nền kinh tế khi những biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 được dỡ bỏ.

Các nước này cũng có thể có được một số khả năng cạnh tranh về xuất khẩu khi đồng nội tệ yếu hơn, mặc dù điều này có thể bị cản trở bởi chi phí nhập khẩu cao hơn đối với lương thực và năng lượng, cũng như tốc độ tăng trưởng đang chậm lại ở các thị trường xuất khẩu lớn của họ.

Và không giống như trong cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997, hầu hết các quốc gia khu vực đều có đủ nguồn dự trữ để bảo vệ đồng tiền của mình. Các thỏa thuận hoán đổi đồng nội tệ mới hình thành cũng giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD, ít nhất là đối với các khoản thanh toán. Vì vậy, mặc dù đồng USD mạnh hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực châu Á, nhưng tác động có thể kiểm soát được, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục