Liệu Fed có thể vừa kiềm chế lạm phát vừa tạo việc làm?

06:30' - 24/03/2022
BNEWS Các dự báo cho thấy, giữa cuộc họp vào tháng 12/2021 và cuộc họp 16/3/2022, Chủ tịch Fed và các đồng nghiệp đã tăng dự báo lạm phát trong quý IV năm nay từ 2,7% lên 4,1%.
Theo bài viết của tác giả John Cassidy đăng trên trang mạng The New Yorker, trong nhiều thập kỷ kể từ khi thành lập vào năm 1913, ngay cả khi hoạt động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các thay đổi chính sách quan trọng, chẳng hạn như tăng lãi suất, cơ quan này thường chỉ đưa ra các tuyên bố công khai ngắn gọn. 

Các nội dung giải thích đầy đủ hơn chỉ nằm trong các hồ sơ chính thức của các cuộc họp, không được công bố trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng sau sự kiện. Hiện nay, Fed đã hoạt động minh bạch hơn nhiều. Người đứng đầu cơ quan này, ông Jerome Powell đã trả lời các câu hỏi của phóng viên trong khoảng một giờ sau mỗi cuộc họp chính sách. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các phiên họp này đã được thực hiện dưới hình thức trực tuyến.

Sau thông báo của Fed vào ngày 16/3 rằng họ sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018, để giải quyết lạm phát gia tăng, một số phóng viên đã đặt ra các câu hỏi khó khăn đối với ông Powell. Phóng viên Edward Lawrence của hãng Fox Business đã chỉ ra rằng vào năm 1981, khi Fed đang đối mặt với một sự gia tăng lạm phát lớn, mức lãi suất liên bang đã được nâng lên hơn 19%.

Ngay cả sau khi đã tăng lãi suất vào ngày 16/3, mức lãi suất hiện tại chỉ ở mức 0,25%. Các dự báo nội bộ mà Fed đưa ra sau cuộc họp hôm 16/3 cho thấy ông Powell và các đồng nghiệp dự kiến sẽ tăng lãi suất lên 1,9% vào cuối năm nay và 2,8% vào năm tới - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát hiện tại ở mức 7,9% vào tháng 2/2022. Trước mục tiêu này, phóng viên Lawrence đã đặt câu hỏi rằng: "Với dữ liệu hiện tại, ông có tin rằng Fed có thể kiểm soát được lạm phát hay không?".

Tuy nhiên, ông Powell đã không bối rối trước câu hỏi của phóng viên Lawrence. Ông đã trả lời rằng: "Chúng tôi có các công cụ cần thiết và chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ này”. Trả lời một câu hỏi khác, ông thừa nhận rằng, sau khi nhìn lại có thể thấy Fed cần có động thái sớm hơn. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng cơ quan hoạch định chính sách chính của Fed là Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã cam kết giảm lạm phát. Ông Powell nói: “Khi tôi nhìn những người tham dự cuộc họp ngày hôm nay, tôi thấy cả ủy ban đã nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải ổn định về giá cả”.

Dự báo nội bộ của Fed cho thấy họ sẽ tăng lãi suất huy động một lần nữa tại mỗi cuộc họp chính sách còn lại trong năm nay. Ông Powell nói: “Chắc chắn sẽ có một hoặc nhiều lần tăng lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm, chứ không phải là chỉ 0,25 điểm phần trăm. Ông lưu ý thêm rằng tình hình căng thẳng tại Ukraine sẽ gây thêm áp lực lên lạm phát trong nước sau khi đã thúc đẩy giá dầu và giá các hàng hóa khác tăng thêm. Trước khi căng thẳng địa chính trị bắt đầu, ông đã dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh trong vài tháng tới, nhưng hiện nay, ông nói rằng "chúng tôi hy vọng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao cho đến giữa năm" trước khi bắt đầu giảm. Các dự báo cho thấy, giữa cuộc họp vào tháng 12 năm ngoái và cuộc họp lần này, ông Powell và các đồng nghiệp đã tăng dự báo lạm phát trong quý IV năm nay từ 2,7% lên 4,1%.

Trong nhiều tháng qua, các nhà phê bình, đáng chú ý nhất là Giáo sư đại học Harvard, Larry Summers, đã đổ lỗi cho Fed vì không phản ứng đủ nhanh trước đà tăng của giá tiêu dùng. Nội dung chính của những lời chỉ trích này là việc chờ đợi quá lâu khiến cho Fed nhiều khả năng sẽ phải tăng lãi suất ở mức độ có thể làm cho nền kinh tế chịu ảnh hưởng. Hồi đầu tháng này, ông Summers cho rằng cuộc suy thoái tiếp theo có lẽ sẽ do những sai lầm trong chính sách tiền tệ gây ra.

Trong một bản tóm tắt cuộc họp của Fed, nhóm chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng ngân hàng trung ương đã liên tục gửi thông điệp về việc tăng lãi suất, nhưng đánh giá này không bao gồm tất cả mọi thứ ông Powell đã nói. Bên cạnh việc nhấn mạnh quyết tâm kiểm soát lạm phát của Fed, ông cũng đưa ra lập luận rằng Fed có thể thực hiện được mục tiêu này mà không làm ảnh hưởng tới việc làm và tăng trưởng GDP.

Ông Powell cho rằng “nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh và sẵn sàng vượt qua chính sách tiền tệ thắt chặt hơn" và dự báo của Fed cũng phản ánh quan điểm này của ông. Báo cáo này cho thấy Fed dự báo lạm phát giảm xuống còn 2,6% trong quý IV/2023 và ở mức 2,3% tại thời điểm quý IV/2024. (Con số 2,3% gần với mục tiêu lạm phát dài hạn do Fed đưa ra là 2%).

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 3,8% vào tháng trước và được dự báo sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới (xuống mức 3,5%) và duy trì ở mức cực kỳ thấp là 3,6% trong năm 2023 và 2024. GDP dự kiến tăng 2,8% trong năm nay, và sẽ tăng 2,2% vào năm 2023 và 2,0% vào năm 2024. Khi so sánh giai đoạn Đại suy thoái với thời kỳ bắt đầu đại dịch, có thể thấy đây là con số tăng trưởng ấn tượng.

Nói cách khác, thông điệp của ông Powell là không rõ ràng: Quyết tâm kiềm chế lạm phát song lạc quan rằng cái giá phải trả cho chính sách này là tương đối nhỏ. Sự lạc quan này đã trấn an các nhà đầu tư, qua đó đẩy chỉ số Dow Jones lên hơn 500 điểm vào ngày 16/3, song không đủ để trả lời câu hỏi về sự khả thi của kịch bản mà ông Powell và các đồng nghiệp đưa ra đối với nền kinh tế Mỹ mà thường được gọi là "hạ cánh an toàn".

Trong thời kỳ lạm phát cao trước đây, các ngân hàng trung ương đôi khi đã tăng lãi suất quá nhiều và quá nhanh đến nỗi họ đã làm cho tất cả nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh, và điều này đã thúc đẩy các công ty sa thải người lao động, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. (Năm 1982, sau những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ do Fed đưa ra, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 10,8%).

Với rất nhiều người cạnh tranh cho mỗi vị trí công việc, sức ép suy thoái đã gia tăng đối với tiền lương và các chi phí khác, và chính những yếu tố này cuối cùng đã làm giảm tỷ lệ lạm phát.

Tuy nhiên, phóng viên Chris Rugaber, của hãng tin AP, đã đặt câu hỏi rằng: "Ngoài nhà ở và ô tô, làm thế nào để lãi suất Fed cao hơn làm giảm được nhu cầu tiêu dùng trừ khi thông qua tỷ lệ thất nghiệp cao hơn?". Ông Powell trả lời rằng mục tiêu của Fed là "điều chỉnh tốt hơn cầu và cung" bằng cách giảm nhu cầu nhạy cảm với lãi suất và cho người lao động thêm thời gian để trở lại lực lượng lao động sau đại dịch COVID-19. Ông nói: “Kế hoạch này nhằm khôi phục sự ổn định giá cả đồng thời duy trì một thị trường lao động mạnh mẽ. Trong các câu trả lời khác, ông cũng nhấn mạnh rằng các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại đã góp phần lớn vào sự gia tăng lạm phát, chắc chắn thời gian tới sẽ được giải quyết.

Bất chấp những căng thẳng gia tăng của cuộc chiến ở Ukraine, ông Powell có lẽ đúng về các chuỗi cung ứng, và không có lý do gì để nghi ngờ ý tốt của ông đối với mục tiêu tạo việc làm. Nhiệm kỳ của ông cũng như nhiệm kỳ của người tiền nhiệm là bà Janet Yellen đã có một nỗ lực đáng khen ngợi trong việc nhấn mạnh nhiệm vụ pháp lý của Fed là tạo ra số việc làm tối đa bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm ổn định giá cả.

Trong những năm trước năm 2020, Fed dưới thời bà Yellen đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, và điều này đã tạo ra một môi trường trong đó người lao động, đặc biệt là người lao động có mức lương thấp, nhận thấy thu nhập của họ tăng lên. Và, kể từ khi đại dịch bùng phát, Fed dưới thời ông Powell đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cho nền kinh tế thời gian để phục hồi hoàn toàn. Với con số việc làm trong các lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn còn thấp hơn khoảng 2,1 triệu so với tháng 2/2020, tình trạng phục hồi hoàn toàn đến nay vẫn chưa đạt được.

Sự gia tăng lạm phát gần đây đã làm mất đi một số khoản tăng lương mà người lao động được hưởng. Đồng thời, động thái này cũng đã đặt ra câu hỏi liệu hai nhiệm vụ của Fed có tương thích tại thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các cú sốc nguồn cung liên tiếp do đại dịch và cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ngày 16/3 vừa qua, ông Powell lập luận rằng hai nhiệm vụ vẫn tương thích, nhưng ông cũng nói rằng, nếu điều này không trở thành sự thật, Fed sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát. Ngay cả khi các tác động đầy đủ của sự thay đổi chính sách này vẫn chưa rõ ràng, đây cũng là một bước đi chính sách quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục