Liệu kinh tế Nga có thoát khỏi suy thoái? (Phần II)

18:49' - 02/09/2016
BNEWS Các nhà phân tích của hãng Bloomberg khẳng định, nền kinh tế Nga dường như đang đứng trước ngưỡng cửa thoát khỏi giai đoạn suy thoái kéo dài, có lẽ là dài nhất trong hai thập kỷ qua.

Mô hình hành vi tiết kiệm

Kinh tế Nga vẫn phụ thuộc vào giá dầu. Ảnh: themoscowtimes.com

Dù sao thì tình hình kinh tế Nga vẫn phụ thuộc vào giá dầu. Và việc người dân chuyển sang mô hình hành vi tiết kiệm – nghĩa là giảm chi tiêu và tăng tiền gửi vào ngân hàng – là hiện tượng tiêu cực về mặt kinh tế.

Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng đánh giá về sáu tháng đầu năm 2016: “Trong khi thu nhập tiếp tục giảm thì xu hướng tiết kiệm vẫn giữ ở mức cao kể từ đầu năm 2015”.

Một thực tế khác khiến người dân Nga giảm tiết kiệm bằng ngoại tệ, đó là trong năm nay du lịch nước ngoài rất trầm lắng trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt cũng như quan hệ căng thẳng với các nước điểm đến phố biến như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo con số thống kê, lượng tour du lịch bán ra năm 2015 đã giảm mạnh nhất kể từ 20 năm qua. Vì vậy lượng ngoại tệ người dân mua vào giảm hẳn.

Trước ngưỡng vượt suy thoái

Tuy nhiên, các nhà phân tích của hãng Bloomberg khẳng định, nền kinh tế Nga dường như đang đứng trước ngưỡng cửa thoát khỏi giai đoạn suy thoái kéo dài, có lẽ là dài nhất trong hai thập kỷ qua.

Theo số liệu thống kê, GDP quý I giảm 1,2%, nhưng trong quý II, mức giảm chỉ còn 0,6%. Đây là con số giảm thấp nhấp trong suốt thời kỳ suy thoái.

Bloomberg đã hỏi ý kiến 19 chuyên gia phân tích, và theo đánh giá chung của họ, GDP Nga trong quý II/2016 so với cùng kỳ năm ngoái sẽ giảm 0,8%. Song đây cũng vẫn là mức tối thiểu kể từ đầu năm 2015.

Theo hãng này, các dấu hiệu chính cho thấy kinh tế Nga đang khởi sắc trở lại là tăng vận chuyển đường sắt và container, đặc biệt là tăng nhu cầu điện (1,8% trong tháng Bảy sau mức 1,6% của tháng Sáu và 0,4% của tháng Năm).

Các dấu hiệu chính cho thấy kinh tế Nga đang khởi sắc trở lại là tăng vận chuyển đường sắt và container. Ảnh: joc.com

Theo chuyên gia phân tích Vladimir  Skliar và Anastasia Tikhonova của công ty “Renaissance Capital”, một ngành hạ tầng nền tảng như năng lượng điện hoàn toàn có thể trở thành điểm phóng tốt cho toàn bộ nền kinh tế khởi sắc. Lượng điện mới hòa lưới đã tăng trong năm 2016, cho thấy niềm lạc quan của các cơ sở kinh tế Nga, vì đây là quá trình tốn kém, đòi hỏi phải có cái nhìn tích cực dài hạn đối với xu thế kinh tế.

Lượng vận chuyển đường sắt cũng tăng. Trong 7 tháng đầu năm 2016, mức tăng đạt 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn tổng lượng vật liệu xây dựng được vận chuyển tăng mạnh 19%.

Bloomberg cũng dự báo tích cực về mối quan tâm đến tài sản Nga. Trong quý I, đồng ruble đã tăng 4,8% so với đồng USD, kết quả tốt thứ hai trong số các đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển. Biến động của đồng ruble ở vào mức đáy của 2 năm qua, và vào đầu tháng Tám các nhà đầu tư đã đăng ký mua một lượng trái phiếu nhà nước cao gấp 4 lần so với lượng chào bán.

Trái phiếu 10 năm cũng đã giảm lãi suất 5 kỳ liên tiếp. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, nếu không xảy ra các cú sốc bất ngờ, GDP quý III của Nga sẽ tăng 0,4% so với kỳ trước.

Hiện nay nhiệm vụ chính của nền kinh tế Nga là tăng doanh thu trong điều kiện giảm nhu cầu tiêu thụ và giá dầu thấp. Các doanh nghiệp vốn lớn đang dần trở lại sau một giai đoạn đầu tư xuống thấp kỷ lục do giá nguyên liệu sụp đổ. Có nghĩa là Nga đang tiến dần đến ranh giới có thể tạo ra bước ngoặt.

Tuy nhiên không thể tránh được chữ “nhưng”. Các chuyên gia cảnh báo không nên vội mừng. Người đứng đầu phòng nghiên cứu các thị trường đang phát triển ngân hàng Toronto Dominion Bank Christian Majo nhấn mạnh: “Khó khăn với nước Nga còn chưa hết, tình trạng khủng hoảng vẫn chưa qua”. Rủi ro chính là ở thời gian suy thoái quá dài với mức tăng trưởng chỉ quanh quẩn ở con số 0%.

Quay lại phần I

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục