Linh hoạt đầu tư cho hạ tầng

10:04' - 31/08/2018
BNEWS Xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nam Định đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để thực hiện việc này.

Hạ tầng giao thông góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Ảnh minh họa: Công Luật - TTXVN
Xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường liên xã, liên thôn góp phần đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương buôn bán của người dân giữa các vùng, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn mới...

Yên Đồng là một trong những xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Ý Yên, qua gần 8 năm chung tay xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động tối đa nội lực, kết hợp kinh phí hỗ trợ của các cấp và huy động nhân dân đóng góp để nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; cải tạo, mở rộng và làm mới hệ thống đường ngõ xóm, đường liên thôn, trục chính…

Ông Phạm Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Đến nay, tất cả các tuyến đường nội đồng, tuyến đường trục chính trong xã đã được cứng hóa, đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân đi các vùng khác tiêu thụ.

Hiện xã Yên Đồng đã nhựa hóa 100% hệ thống đường trục xã, liên xã dài gần 9km, mặt đường rộng từ 3m trở lên; 15km đường trục thôn, xóm đã được cứng hóa với mặt đường rộng từ 2,5 - 3m; đường ngõ, xóm dài trên 21,2km đã được cứng hóa. Ngoài ra, hệ thống giao thông nội đồng cũng được tập trung cải tạo, nâng cấp rộng từ 3 - 5m. Cùng với đó, 38km hệ thống kênh mương cấp 3 do xã quản lý đã được cải tạo, nâng cấp kiên cố đảm bảo tưới tiêu ổn định, phục vụ sản xuất.

Với lợi thế tiếp giáp trục Quốc lộ 38B nối từ Hải Dương tới Ninh Bình, những năm gần đây ngoài việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, xã Yên Dương còn tập trung phát triển các loại hình công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ với trọng điểm là các ngành công nghiệp như: dệt may, chế biến gỗ… Để thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, xã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi và các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất theo tiêu chí nông thôn mới.

Theo đó, hệ thống đường trục xã, liên xã dài 4,15km đã được trải nhựa 100%, mặt đường rộng từ 5 - 7m; hệ thống đường trục thôn xóm dài trên 16,2km đã được cứng hóa toàn bộ với mặt đường rộng 2,5 - 3m. Ngoài hệ thống đường dân sinh, hệ thống giao thông nội đồng cũng được các thôn, xóm tập trung cứng hóa với mặt đường rộng từ 3 - 5m, tổng chiều dài trên 71,5km...

Ông Trịnh Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Yên Dương cho biết, nhờ hạ tầng nông thôn mới phát triển xã đã trở thành điểm sáng của huyện về phát triển thương mại dịch vụ. Hiện xã đã có 120 cơ sở sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ; 5 cơ sở may công nghiệp và một số cơ sở thêu ren lớn thu hút gần 1.500 lao động. Giá trị thu nhập từ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã đạt trên 200 tỷ đồng/năm, chiếm 60% trong tổng cơ cấu kinh tế địa phương.

Để tập chung hoàn thiện hạ tầng nông thôn mới, huyện Ý Yên đã ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển kết cấu hạ tầng trên lĩnh vực giao thông, thủy lợi giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ 5 dự án lớn bao gồm: cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 485, cải tạo, nâng cấp đường 57B, xây dựng đập Đuồi và nạo vét kênh Thiên Phái (xã Yên Phú); xây dựng khu đô thị trung tâm Thị trấn Lâm và dự án cải tạo nâng cấp đường từ Thị trấn Lâm đến xã Yên Dương. Các dự án hoàn thành sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Trịnh Thị Kim Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết, toàn huyện có 31/32 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hầu hết các xã đã cơ bản xây dựng được các tuyến đường trục thôn, xóm, đường nội đồng phục vụ tốt việc đi lại cũng như giao thương hàng hóa của người dân, đặc biệt là hệ thống đường liên xã được mở rộng, kiên cố đã giải quyết tốt bài toán phát triển kinh tế giữa các vùng, đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới bền vững hiện nay../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục