“Đầu tàu” kéo ngành sợi Nam Định đổi mới

09:43' - 14/08/2018
BNEWS Nhà máy sợi Hòa Xá sau hơn một năm xây dựng đã hoàn thành được xác định là “đầu tàu” để kéo ngành sợi của dệt Nam Định đổi mới toàn diện,
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường tham quan Nhà máy Sợi Hòa Xá – Tổng CTCP Dệt May Nam Định. Ảnh: Vinatex

Nhà máy sợi Hòa Xá sau hơn một năm xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng mới đây đã tạo tiền đề để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và hướng tới hình thành cụm sản xuất sợi tại Nam Định.

Ông Nguyễn Văn Miêng – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, chia sẻ: Nhà máy sợi Hòa Xá do Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định đầu tư với giá trị 369 tỷ đồng, công trình có quy mô 3,12 vạn cọc, công suất 7.000 tấn/năm, thu hút 230 lao động.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định tuy đã 30 năm không làm đầu tư nhưng đã hoàn thành công trình đúng thời hạn tương đương với không chỉ các nhà máy sợi hiện đại trong Tập đoàn mà còn tương đương với các doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân.

Nhà máy được xác định là “đầu tàu” để kéo ngành sợi của dệt Nam Định đổi mới toàn diện, đầu tư mở rộng sang nhà máy số 2, nhà máy số 3, hướng tới hình thành cụm sản xuất sợi với quy mô trên 100.000 tấn tại Khu Công nghiệp Hòa Xá.

Giai đoạn đào tạo lao động, chạy thử thương mại từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2018 cũng đã vượt kế hoạch và việc đưa Nhà máy chính thức vận hành thương mại từ tháng 4 đến nay đã có hiệu quả. Tuy nhiên đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên của một công trình mới, thách thức còn rất nhiều. Đó là việc xây dựng và khẳng định 1 thương hiệu sợi tại Hòa Xá khác biệt với sợi của Nam Định trong 30 năm qua.

Theo ông Lê Tiến Trường, trước đây, sợi của Nam Định được định vị ở cấp trung bình và thấp, nay với 1 nhà máy mới, được đầu tư trang thiết bị mới thì chất lượng phải khác, định vị phải khác, thị trường phải khác… Do đó, nhiệm vụ xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng lâu dài tại Nhà máy Sợi Hòa Xá là hết sức quan trọng. 

Xây dựng thị trường ổn định, khách hàng ổn định, chủng loại mặt hàng có chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm của đội ngũ quản lý và kinh doanh của Nhà máy sợi trong thời gian tới. Cùng với đó là hệ thống sản xuất cần đi vào ổn định, định hình lại các thông số của công nghệ, đảm bảo chi phí sản xuất, đồng thời quan tâm đến đời sống và thu nhập cho người lao động.

Ông Nguyễn Quang, Phó Giám đốc Nhà máy sợi Hòa Xá cho biết, nếu sử dụng công nghệ cũ, 1 vạn cọc sợi phải cần khoảng 110 lao động nhưng với dây chuyện tự động hóa, hiện đại như hiện nay thì chỉ cần 65 lao động/1 vạn cọc sợi. Dây chuyền công nghệ hiện đại đã góp phần tăng năng suất cao gấp khoảng 4 lần so với dây chuyền sản xuất cũ.

Đặc biệt, dây chuyền sản xuất sợi được trang bị hệ thống tự động hóa cao, hoạt động khép kín, áp dụng công nghệ thông tin điều khiển trên màn hình giúp người lao động điều khiển máy móc thuận tiện, chính xác, tiết kiệm thời gian, sức lao động và nhân lực, đồng thời giảm bụi bông, tiếng ồn. 

Nhờ đó, thu nhập trung bình của người lao động đã đạt trên 6 triệu đồng/tháng, cao hơn mặt bằng thu nhập chung của lao động ngành sợi và dệt may trên địa bàn.

Công nhân đang thao tác trên dây chuyền sản xuất. Ảnh minh họa: Quốc Việt - TTXVN

Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao việc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định đầu tư đổi mới công nghệ ngành sợi để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cũng như tạo điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Sự đổi mới này rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Mai Đức Chính cho biết, trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc phát triển các nhà máy sợi cung ứng cho thị trường, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, đầu tư đổi mới công nghệ không chỉ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của Tổng Công ty, nâng cao chất lượng sản phẩm, điều kiện làm việc cho người lao động, nhờ đó sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu sợi từ các quốc gia khác.

Theo ông Nguyễn Văn Miêng, từ nay đến cuối năm, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án còn lại của Nhà máy Sợi Hòa Xá. Việc này sẽ góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty đạt giá trị sản xuất công nghiệp 775 tỷ đồng, tổng doanh thu 885 tỷ đồng trở lên.

Theo định hướng phát triển sản phẩm ngành sợi dệt, Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dệt may đã bố trí quy hoạch Khu Công nghiệp Hòa Xá và Bảo Minh, tỉnh Nam Định là một trong những khu vực phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm ở Đồng bằng sông Hồng.

>>> Vinatex là đối tác quan trọng của Tập đoàn Itochu Nhật Bản

>>> Khai trương Trung tâm Thời trang Vinatex tại 25 Bà Triệu, Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục