Linh hoạt giá FIT điện gió để hỗ trợ nhà đầu tư

14:04' - 01/12/2021
BNEWS Nếu kéo dài cơ chế giá FIT đến năm 2023 thì tại thời điểm đó, giá FIT sẽ giảm 24% (mỗi tháng giảm 1%) sẽ giải quyết được vấn đề giá cho các dự án sắp chuẩn bị đầu tư khi chưa có cơ chế đấu thầu.

Chia sẻ tại Hội thảo Năng lượng điện gió Việt Nam 2021 do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức ngày 1/12 tại Hà Nội, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận kiêm Giám đốc điều hành Thuận Bình Wind cho rằng, thời gian qua, vì lý do dịch bệnh, nhiều dự án không thể kịp đưa vào vận theo để hưởng ưu đãi giá FIT theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Vì vậy, cần có sự linh hoạt, gia hạn chính sách giá FIT để hỗ trợ các doanh nghiệp này.

"Khi chúng ta chưa có cơ chế đấu thầu, vẫn nên gia hạn giá FIT cho các nhà đầu tư điện gió, để những dự án đang về đích có thể về đích được và có doanh thu. Tuy nhiên, giá như thế nào cần được xem xét cẩn trọng, cân đối hài hoà lợi ích giữa các nhà đầu tư với nhau”, ông Bùi Văn Thịnh bày tỏ.

Theo ông Thịnh cho rằng, nếu kéo dài cơ chế giá FIT đến năm 2023 thì tại thời điểm đó, giá FIT sẽ giảm 24% (mỗi tháng giảm 1%). Điều này sẽ giải quyết được vấn đề giá cho các dự án đang tồn tại và cho cả dự án sắp chuẩn bị đầu tư khi chưa có cơ chế đấu thầu.

Nói về cơ chế đầu tư lưới điện để truyền tải năng lượng tái tạo khi nguồn năng lượng này chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong thời gian tới, ông Thịnh cho rằng, hiện nay lưới điện Việt Nam tương đối độc lập, chưa có liên kết vùng, mới chỉ có lưới điện 110 kV với Campuchia, lưới 500 kV với Lào và lưới 220 kV với Trung Quốc, nhưng công suất còn rất nhỏ. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo càng lớn thì cần phải có liên kết vùng để điều hoà lưới điện và hài hoà câu chuyện điều độ hệ thống điện.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Quá trình chuyển dịch năng lượng, điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng là chìa khóa để Việt Nam thực hiện mục tiêu đề ra. Nhưng, điều cần thiết không chỉ ở cơ chế, chính sách mà còn ở công nghệ, như: lắp đặt, vận hành, giám sát, bảo trì, xử lý tái chế, nhân lực, tạo ra những mô hình mới trong ngành năng lượng nói riêng và các ngành khác nói chung. Do vậy, các chính sách cần phải hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy các dự án.

Theo ông Niels Holst – đại diện Copenhagen Offshore Partners là đơn vị quản lý dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Việt Nam giống Đan Mạch khi đang thực hiện quá trình chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo và sử dụng các công nghệ mới theo xu hướng phát triển xanh.

Khả năng vay vốn của các hợp đồng mua bán điện rất quan trọng. Việt Nam đã hết cơ chế giá FIT nên nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư vào các dự án với giá trị lên tới cả tỉ USD thì sẽ phải cân đối rất nhiều yếu tố. Những dự án sẽ gặp khó với cơ chế tài chính hiện tại để có thể đi vào vận hành, đạt hiệu quả năng lượng.

“Về lưới điện, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư lưới điện rất nhiều như ở Đức. Việt Nam có thể tham khảo cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng, phải giảm những thách thức với lưới điện cũng như huy động nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực này và chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác đầu tư”, ông Niels Holst nói.

Theo ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Đan Mạch đã hợp tác với Bộ Công Thương xây dựng các khung khổ bền vững cho điện gió. Cùng đó, điện gió trên bờ đã phát triển những năm gần đây và đã có giá FIT, nhưng cần lộ trình rõ ràng cho tương lai, để không ảnh hưởng tiến độ đầu tư vào Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục