Linh hoạt phát triển pin lưu trữ trong hệ thống điện

08:21' - 11/09/2024
BNEWS Để đảm bảo phát triển theo quy hoạch và pin lưu trữ có thể đi vào hỗ trợ cho hệ thống điện, các chuyên gia cho rằng, cần các chính sách ưu tiên và khuyến khích hợp lý.

Quy hoạch điện VIII đã tính toán đến tỷ lệ tích hợp cao của năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, dự tính đến năm 2030 hệ thống điện Việt Nam phải có 2.700 MW lưu trữ năng lượng; trong đó 2.400 MW là thủy điện tích năng và 300 MW là pin lưu trữ.

Khả năng linh hoạt

Theo Hiệp hội Năng lượng sạch, trong số 2.400 MW thủy điện tích năng, đến nay mới chỉ có thủy điện Tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW đang được xây dựng ở bước ban đầu. Nhà máy còn lại chưa hình thành dự án nên khó có thể đi vào hoạt động năm 2030. Như vậy, pin lưu trữ điện với ưu điểm triển khai nhanh, đặt được ở nhiều nơi, có thể sẽ cần công suất lớn hơn kế hoạch 300 MW để bù đắp sự thiếu hụt của thủy điện tích năng.

Cũng theo Công ty TNHH MTV Vận hành Hệ thống điện và Thị trường Quốc gia (NSMO), với hệ thống điện hiện tại, khi mà công suất năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện) lên tới 44% Pmax vào ngày thường và 88% Pmax vào ngày nghỉ lễ, Tết thì hệ thống nằm trong mức rủi ro cao và quán tính thấp.

 

Đối với miền Bắc, nhu cầu dự trữ bình thường phải tương đương với 1 tổ máy nhiệt điện lớn nhất (716 MW), thì nay phải dự trữ thêm cho năng lượng tái tạo từ 950 - 1.700 MW. Chỉ một tổ máy hỏng hóc bất thường là hệ thống thiếu điện. Trước khi có năng lượng tái tạo, vào năm 2019 tua bin khí chỉ phải khởi động 74 lần/năm, nhưng năm 2021 đã phải khởi động 775 lần. Do đó, nhu cầu sử dụng pin lưu trữ để ổn định hệ thống rất lớn.

Trên thực tế, một nhà máy điện mặt trời có công suất 100 MW ở tỉnh có nắng tốt nhất Việt Nam. Nhà máy hiện đang được hưởng giá FIT1, 9,35 cent/kWh, nhưng do hạn chế truyền tải nên phải cắt bỏ công suất từ 5 - 20% lượng điện năng một năm.

Nhưng nếu có pin lưu trữ, nhà máy sẽ lấy phần điện bị cắt giảm vào giữa trưa để lưu trữ và bán vào những giờ sau đó, cho đến 22 giờ.

Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, hệ thống pin lưu trữ năng lượng có khả năng đáp ứng điều tần sơ cấp rất tốt, do đó có thể tham gia dịch vụ hỗ trợ tốt, cần coi đó là chi phí để tạo lợi ích chung cho toàn xã hội. Ngoài ra, chi phí cho hệ thống pin lưu trữ vẫn rẻ hơn so với huy động nguồn linh hoạt như tua bin khí, hay điện chạy dầu diesel.

Cần cơ chế khuyến khích

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho hay, vào năm 2024, các hệ thống BESS đang trở nên thiết yếu trong việc quản trị sự bất định của các nguồn điện tái tạo, giảm thiểu tắc nghẽn lưới điện và giảm thiểu thất thoát điện năng. Nếu đã quy hoạch một nền tảng điện tái tạo vững chắc, bước tiếp theo của Việt Nam là tích hợp hệ thống lưu trữ để có thể tận dụng tối đa các nguồn này.

Tính chất linh hoạt của hệ thống lưu trữ khiến nó tương thích với nhiều kiểu quy mô và phù hợp với các doanh nghiệp từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho đến các nhà phát triển dự án điện tái tạo, cũng như người tiêu thụ điện.

Ông Đào Nhật Đình đề xuất, để phát triển hệ thống pin lưu trữ cho dịch vụ hỗ trợ hệ thống điện cần có chính sách ưu tiên và khuyến khích hợp lý. Ưu tiên dự án lưu trữ năng lượng của EVN làm chủ đầu tư.... Sau này, khi giá bán lẻ điện cao hơn, có thể có các nhà đầu tư tư nhân tham gia để vừa cung cấp dịch vụ ổn định hệ thống vừa tham gia thị trường mua bán điện.

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật quy định thị trường điện cạnh tranh cần được cập nhật để thêm dịch vụ hỗ trợ của pin lưu trữ. Trước mắt, có thể ban hành các quy định kỹ thuật.

Đồng thời ưu tiên cho hệ thống pin lưu trữ ở cấp nhà máy điện mặt trời, hay điện gió có thể cân nhắc, hoặc là quy định bắt buộc một số phần trăm so với công suất tối đa, hoặc quy định nhà máy tham gia thị trường điện. Hiện tại tham gia thị trường điện, nhà máy kèm lưu trữ có thể chưa có lợi nhuận, nhưng về lâu dài, khi giá điện bán lẻ tăng, doanh nghiệp sẽ tự quyết định đầu tư loại hình này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục