Lĩnh vực dịch vụ tài chính ASEAN sẽ vượt xa các thị trường khác

17:37' - 20/09/2018
BNEWS PwC cho rằng lĩnh vực dịch vụ tài chính của ASEAN sẽ vượt xa các thị trường khác, bất chấp sự gia tăng mạnh mẽ của ngành này trong khoảng thời gian từ năm 2005-2016.
Lĩnh vực dịch vụ tài chính của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ vượt xa các thị trường khác. Ảnh: reuters

PricewaterhouseCoopers (PwC), một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay, mới đây đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng của khu vực dịch vụ tài chính ASEAN, cho rằng lĩnh vực dịch vụ tài chính của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ vượt xa các thị trường khác, bất chấp sự gia tăng mạnh mẽ của ngành này trong khoảng thời gian từ năm 2005-2016 có dấu hiệu chậm lại trong vài năm tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, báo cáo của PwC đã được đề cập trong bài viết “Triển vọng của khu vực dịch vụ tài chính ASEAN” của tác giả Eijas Ariffin đăng tải trên trang mạng ASEAN Post ngày 19/9.

Trong đó, nêu bật thành quả kinh tế mà nên kinh tế ASEAN đạt được trong 20 năm qua, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Đó là nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên ASEAN hiện có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2.400 tỷ USD, và là nền kinh tế lớn thứ ba phát triển nhanh nhất châu Á, xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bài viết khẳng định cuộc khủng hoảng tài chính với tính chất lây lan trong khu vực Đông Nam Á mang lại cơ hội xây dựng nền tảng vững chắc để tăng trưởng kinh tế cho hầu hết các quốc gia.

Một trong những nền tảng góp phần thúc đẩy tăng trưởng là nhân tố dịch vụ tài chính của khu vực gia tăng nhanh chóng.

Chỉ trong vòng 10 năm từ năm 2005, lĩnh vực này đã đóng góp hơn 20 tỷ USD cho các nền kinh tế của Philippines, Thái Lan, Singapore và Indonesia.

Trong năm 2016, Indonesia lần đầu tiên vượt Singapore để trở thành thị trường dịch vụ tài chính lớn nhất trong ASEAN về mặt giá trị tổng tài chính (GVA).

Báo cáo của Pwc cho rằng sự tăng trưởng của ngành dịch vụ tài chính được cho là đang được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính gồm sự gia tăng trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tiến bộ của công nghệ tài chính, và sự hội nhập không ngừng của ASEAN.

Trong khi đó, nền kinh tế của các nước ASEAN phát triển đã tạo ra các tầng lớp trung lưu của khu vực. Hiện có 87 triệu hộ gia đình trung lưu ở Đông Nam Á và con số này dự kiến sẽ đạt 116 triệu vào năm 2020.

Mức thu nhập của các tầng lớp trung lưu này tăng sẽ làm tăng nhu cầu về các công cụ tài chính và như vậy có thể tạo thuận lợi cho việc mua dịch vụ và sản phẩm giá trị cao hơn.

Nắm bắt được nhu cầu về dịch vụ tài chính, nhiều công ty công nghệ tài chính đã bắt đầu thiết lập hệ thống cửa hàng trong khu vực.

Kết hợp với việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều của người dân trong khu vực và tỷ lệ truy cập Internet ngày càng cao của người dân, các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số được dự báo gia tăng theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho khu vực dịch vụ tài chính ASEAN trong thời gian tới, hiện vẫn tồn tại rất nhiều trở ngại mà các nước ASEAN phải vượt qua.

Trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu cách tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản.

So với Thái Lan, Maylaysia và Singapore, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Campuchia là các quốc gia tụt hậu hơn trong lĩnh vực thâm nhập ngân hàng.

Sự gia tăng của việc sử dụng ví điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số có thể giúp người dân ở các quốc gia này không cần phải gửi tiền vào ngân hàng, nhưng các dịch vụ như vậy rất hạn chế.

Nếu không có cơ sở hạ tầng ngân hàng và tài chính phù hợp, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân sẽ vẫn ở mức thấp.

Việc thiếu khả năng tiếp cận tài chính cũng sẽ tạo ra các vấn đề khác cho ngành dịch vụ tài chính. Ngành dịch vụ tài chính chủ yếu dựa vào các giao dịch không dùng tiền mặt, có thể là kỹ thuật số hoặc thông qua ghi nợ và tín dụng.

Vì nhiều người dân trong khu vực không có quyền tiếp cận tài chính, điều này đã tạo ra một xã hội vẫn ưa thích phương thức thanh toán bằng tiền mặt.

Báo cáo của PwC nhấn mạnh 3 rào cản chính hiện nay trong việc chuyển từ tiền mặt sang thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng, đó là các quốc gia vẫn thiếu điểm bán hàng (POS), khả năng tương tác thấp và khối lượng thanh toán thấp.

PwC nhận định hiện tại khu vực dịch vụ tài chính của Đông Nam Á đã có tất cả các thành phần phù hợp để phát triển, nhưng vẫn còn những khoảng trống lớn cần phải được lấp đầy.

Tuy nhiên, đó không phải là trách nhiệm của bất kỳ một đối tượng cụ thể nào, của chính phủ hay của các ngân hàng.

Theo PwC, để đảm bảo sự tăng trưởng liên tục bền vững, đòi hỏi các khâu, các mắt xích trong hệ thống phải phát huy vai trò một cách hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục