Lĩnh vực viễn thông có gì hấp dẫn Masan Group?

18:01' - 03/10/2021
BNEWS Việc Masan Group mua lại cổ phần của Mobicast sẽ tạo ra sự kết hợp hoàn hảo với cơ sở khách hàng của đại gia ngành thực phẩm bán lẻ, là lợi thế để phát triển cơ sở thuê bao cho mảng viễn thông.
Vào tháng 9/2021, Công ty TNHH The Sherpa – một thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan – Masan Group (mã chứng khoán: MSN) đã công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty cổ phần Mobicast (Mobicast) với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Vì lý do gì mà đại gia ngành thực phẩm bán lẻ lại lấn sân sang lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với doanh nghiệp?

* Đón cơ hội

Theo Tổng cục Thống kê, trong những năm gần đây, thị trường viễn thông đang đối mặt với tình trạng bão hòa của các dịch vụ viễn thông truyền thống. Thay vào đó, chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu. Sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và dưới tác động từ đại dịch COVID-19 khiến thế giới bước vào điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về chuyển đổi số quốc gia, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệp lần thứ 4 mang lại.

Với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); kinh tế số chiếm 20% GDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã và phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh thì các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp số có rất nhiều dư địa để phát triển.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Việt Nam có tiềm năng đáng kể để thúc đẩy tiêu thụ dữ liệu qua băng thông di động, do sở hữu nhân khẩu học hấp dẫn, dân số trẻ với mức độ thâm nhập di động cao và cơ sở hạ tầng băng thông di động rộng lớn khi độ phủ 4G đạt trên 95% dân số.

Bên cạnh đó, thị trường viễn thông của Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy các dịch vụ dựa trên băng thông di động khi người tiêu dùng đã sử dụng hạ tầng kỹ thuật số nhưng vẫn sử dụng các dịch vụ viễn thông chủ yếu để gọi điện và nhắn tin.

Việc Masan Group mua lại cổ phần của Mobicast sẽ tạo ra sự kết hợp hoàn hảo với cơ sở khách hàng của đại gia ngành thực phẩm bán lẻ, là lợi thế để phát triển cơ sở thuê bao cho mảng viễn thông.

Trong hệ sinh thái của Masan Group, riêng Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan có gần 98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm của doanh nghiệp. Vincommerce (sở hữu VinMart, VinMart+) có 9 triệu thành viên trung thành với hơn 2 triệu thành viên hoạt động hàng tháng.

Chuỗi cửa hàng Phúc Long- một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam đã được Công ty TNHH The Sherpa - thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan mua lại 20% cổ phần. Đây là chuỗi cửa hàng phục vụ người tiêu dùng trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số ở khu vực thành thị, có tiềm năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng từ Techcombank (Masan Group là cổ đông lớn của Techcombank) và Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba hiện đang có thỏa thuận hợp tác chiến lược với VinCommerce.

Là công ty start-up trong lĩnh vực mạng di động ảo (“MVNO”), Mobicast sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông.

Các MVNO như Reddi cung cấp dịch vụ di động nhưng không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông. Do đó, MVNO hợp tác với các Nhà khai thác mạng di động truyền thống (MNO) để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn dựa trên phổ tần sóng điện từ cùng với cơ sở hạ tầng mạng di động của MNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng.

Khi tích hợp Reddi, Masan Group có thể tăng tần suất giao dịch và thời gian tương tác của khách hàng từ 15-25 giờ lên 200 giờ tương tác mỗi tháng.

Được hỗ trợ bởi chuỗi bán lẻ trên toàn quốc, Masan Group trước mắt sẽ mở rộng các điểm viễn thông tại 2.400 cửa hàng bán lẻ hiện đại và 300.000 điểm bán lẻ truyền thống tiềm năng của Vincommerce với các giao dịch hàng tuần.

Sự thâm nhập tệp khách hàng của Vincommerce đối với mạng Reddi sẽ giúp Mobicast hòa vốn ở mức EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế).

Về mục tiêu kinh doanh của Mobicast, Masan Group đặt kế hoạch mở rộng quy mô thuê bao, tập trung vào lượng khách hàng hiện có của Vincommerce; trong đó, mô hình MVNO sẽ hòa vốn ở mức EBIT trong 6-12 tháng tới, khi đạt doanh thu 150 tỷ đồng và 1,4 triệu thuê bao mỗi tháng, tương đương 16% tỷ lệ thâm nhập tệp khách hàng của Vincommerce.

Theo công ty hỗ trợ tư vấn chiến lược Boston Consulting Group, nhu cầu giao tiếp, giải trí và thư giãn chiếm 15% tổng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng, thể hiện vai trò quan trọng của kỹ thuật số trong xã hội hiện đại. Do đó, thương vụ mua lại Mobicast là một cơ sở để Masan Group số hóa nền tảng tiêu dùng và xây dựng một giải pháp đồng bộ cho các sản phẩm trực tuyến.

Bên cạnh đó, nền tảng tiêu dùng tích hợp toàn diện từ offline đến online khi thành công sẽ trở thành điểm đến tiêu dùng tập trung mà khách hàng có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu hàng ngày, cũng như giúp khách hàng tiết kiệm chi phí hơn so với việc chi tiêu trong một cơ sở hạ tầng tiêu dùng riêng lẻ.

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, đóng góp chính của Mobicast vào triển vọng kinh doanh của MSN trong thời điểm hiện tại đang dừng ở vai trò là một chất xúc tác mới cho trụ cột tiêu dùng kỹ thuật số của hệ sinh thái Mansan Group đang xây dựng.

*Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của Mobicast?

Vì quy mô hiện tại còn khiêm tốn nên VDSC đánh giá, việc mua lại Mobicast chưa tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh của Masan Group trong năm nay.

VDSC cho rằng trong giai đoạn 2021-2022, Masan Group sẽ ưu tiên tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của Mobicast để hướng tới mục tiêu tạo ra lợi nhuận, được hỗ trợ bởi ưu thế tiếp cận tệp khách hàng mảng tiêu dùng của tập đoàn, thông qua các kênh trực tuyến và kênh truyền thống trên toàn quốc để nâng cao doanh thu hàng tháng.

Bên cạnh đó, lợi thế này sẽ làm giảm đáng kể chi phí mở rộng tệp khách hàng của Reddi và cho phép công ty tái đầu tư vào các chiến lược đầu tư phát triển các giải pháp tiêu dùng kỹ thuật số.

Thị trường viễn thông dù có dư địa tăng trưởng hấp dẫn trong tương lai, nhưng băng thông di động vẫn chưa hấp thụ được tiềm năng này, với 44% thuê bao chỉ đang sử dụng băng thông di động cho các dịch vụ thoại và SMS, trong khi 60% người tiêu dùng nông thôn vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Nhìn xa hơn, khi việc tái cấu trúc doanh nghiệp thành công, Mobicast có thể là điểm tập trung để tích hợp nhiều sản phẩm trực tuyến hơn trong dài hạn

Với thương hiệu Reddi, đây là bước đi tiếp theo tham gia vào lĩnh vực tiêu dùng kỹ thuật số của Masan Group để trở thành nền tảng tiêu dùng duy nhất đáp ứng hơn 80% nhu cầu chi tiêu hàng ngày của khách hàng.

Với rất nhiều cuộc mua bán sáp nhập diễn ra trong thời gian qua, Masan Group đang “vươn mình” ra nhiều lĩnh vực kinh doanh, nhưng các lĩnh vực này đều có sự bổ trợ lẫn nhau.

Diễn biến sôi động về hoạt động kinh doanh, mua bán sáp nhập của tập đoàn cũng giúp cổ phiếu trên sàn có biến động tích cực. Cụ thể, MSN chốt phiên 2/10 có giá 140.000 đồng/cổ phiếu, đã tăng hơn 57% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục