Lo ngại nguồn cung thắt chặt nâng đỡ giá dầu phiên 1/4

13:18' - 01/04/2024
BNEWS Giá dầu châu Á tăng sáng 1/4, trước khả năng nguồn cung thắt chặt do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+, các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở Nga và số liệu chế tạo khả quan ở Trung Quốc.

Vào lúc 10 giờ 31 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 29 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 87,29 USD/thùng, sau khi tăng 2,4% trong tuần trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ New York cũng tăng 31 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 83,48 USD/thùng, sau khi tăng 3,2% trong tuần trước.

Hoạt động giao dịch được dự đoán sẽ thưa thớt trong phiên này vì nhiều thị trường đóng cửa nghỉ lễ Phục sinh.

Cả hai loại dầu trên đều vừa ghi nhận tháng tăng giá thứ ba liên tiếp, trong đó giá dầu Brent “neo” trên mức 85 USD/thùng kể từ giữa tháng Ba, khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cam kết kéo dài các mức cắt giảm sản lượng đến hết tháng Sáu. Điều này có thể thắt chặt nguồn cung trong mùa hè ở Bắc Bán cầu.

 

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho biết các công ty dầu nước này sẽ tập trung vào việc giảm sản lượng hơn là giảm xuất khẩu trong quý II để cân bằng các mức giảm sản lượng với các thành viên khác của OPEC+.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công vào nhiều nhà máy lọc dầu của Nga được dự đoán sẽ làm giảm lượng nhiên liệu xuất khẩu của nước này. Công suất xử lý dầu thô của Nga đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày do các cuộc tấn công, ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu dầu nhiên liệu có độ lưu huỳnh cao của nước này.

Trong khi đó, các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs cho biết tại châu Âu, nhu cầu dầu mạnh mẽ hơn dự đoán, với mức tăng 100.000 thùng/ngày trong tháng Hai so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng này nhận định nhu cầu cao tại châu Âu, tăng trưởng nguồn cung suy yếu tại Mỹ và khả năng OPEC+ kéo dài các mức cắt giảm sản lượng đến hết năm 2024 đã lấn át áp lực giảm giá từ tình hình nhu cầu yếu tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên trong sáu tháng qua trong tháng Ba, qua đó thúc đẩy phần nào nhu cầu dầu tại nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này, dù cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn là một lực cản đối với kinh tế Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục