Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt

19:31' - 23/02/2025
BNEWS Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cho các cán bộ quản lý tài chính trong việc áp dụng công nghệ và hình thức thanh toán mới.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Kho bạc Nhà nước tỉnh Tuyên Quang cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đơn vị và người dân về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cho các cán bộ quản lý tài chính trong việc áp dụng công nghệ và hình thức thanh toán mới.

Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác với nhiều ngân hàng thương mại để đảm bảo hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn và thuận tiện. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin nhằm đảm bảo việc thanh toán điện tử diễn ra một cách nhanh chóng và an toàn, triển khai các ứng dụng di động, thanh toán trực tuyến và áp dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, tiến tới xây dựng hệ thống Kho bạc số.

Trước đó, từ tháng 9/2024, Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang đã có công văn gửi các đơn vị có giao dịch với Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang đề nghị, các giao dịch thu, chi ngân sách Nhà nước tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp cần thiết phải thực hiện giao dịch thu NSNN bằng tiền mặt, Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang đã có những biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Kho bạc Nhà nước tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị hạn chế giao dịch bằng tiền mặt và tăng cường sử dụng các hình thức thanh toán điện tử.

Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang hiện đảm bảo 100% đơn vị đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến với tỷ lệ chứng từ chi ngân sách xử lý qua dịch vụ công trực tuyến đạt 95%.

Để trở thành kho bạc điện tử, từ năm 2013, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu với 4 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank mở ra một kênh thanh toán mới, dịch chuyển việc thu, chi tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước sang thu, chi qua các hình thức chuyển khoản, điện tử.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Kho bạc Nhà nước đã nghiên cứu và phối hợp với các ngân hàng thương mại phát triển hạ tầng thanh toán bổ sung kênh thu ngân sách qua máy chấp nhận thẻ (POS). 

Theo đó, người dân đến Kho bạc Nhà nước làm thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước có thể lựa chọn hình thức nộp tiền bằng thẻ ATM, VISA… thay cho việc nộp trực tiếp bằng tiền mặt. Đồng thời, để đa dạng hóa kênh thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng ngân sách, Kho bạc Nhà nước đã triển khai hệ thống thanh toán liên ngân hàng IBPS của Ngân hàng Nhà nước và giao diện với hệ thống thanh toán, kế toán của Kho bạc Nhà nước. Do đó, trong giai đoạn này, phương thức thanh toán bù trừ thủ công giữa Kho bạc Nhà nước với Ngân hàng Nhà nước đã hoàn toàn không còn nữa.

Kho bạc Nhà nước đã nghiên cứu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung các quy định về việc nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo các phương thức điện tử qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, qua các ứng dụng điện tử của các ngân hàng thương mại giúp tạo thuận lợi rất nhiều cho người nộp ngân sách nhà nước.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kho bạc “3 không”, ngày 29/4/2022, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước đã ký ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực.

Thực hiện đề án này, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã nỗ lực hiện đại hóa phương thức thu, chi ngân sách nhà nước; tăng cường trao đổi, phối hợp, kết nối với các đơn vị liên quan, thúc đẩy các kênh thanh toán điện tử nhằm gia tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân như tiếp tục thực hiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình với cơ quan thuế, hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và các hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại…

Sau hơn 10 năm triển khai hệ thống thanh toán theo phương thức điện tử và từ việc ký kết với 4 ngân hàng thương mại đầu tiên, đến nay, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với 20 hệ thống ngân hàng thương mại, với số lượng tài khoản của các đơn vị Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng là 3.309 tài khoản giúp cho việc thanh toán bằng tiền mặt trong toàn hệ thống hầu như “vắng bóng”. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục