Lợi nhuận của Thủy sản Nam Việt giảm đến 25%

12:42' - 23/07/2021
BNEWS Do chi phí bán hàng tăng đột biến nên lợi nhuận của CTCP Thuỷ sản Nam Việt –Navico (mã chứng khoán: ANV) bị "bào mòn".

Theo đó, Thủy sản Nam Việt vừa công bố báo cáo kinh doanh hợp nhất quý II/2021, với doanh thu thuần 1.074 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ nhờ sản lượng bán hàng tăng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ có gần 24 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính là do chi phí bán hàng tăng đột biến 137% (chủ yếu là do phí cước tàu, phí vận chuyển tăng mạnh). Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng mạnh 42%.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản hầu hết đều có doanh thu tăng trưởng tích cực, nhưng việc giá cước vận chuyển tăng mạnh, tình trạng thiếu container, tắc nghẽn cảng, thiếu công nhân bốc dỡ tại cảng… khiến lợi nhuận đi xuống trong quý II/2021.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Thủy sản Nam Việt có doanh thu 1.788 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 99 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 10% so với cùng kỳ.

Năm 2021, Thủy sản Nam Việt đặt mục tiêu doanh thu 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã đạt khoảng 45,6% mục tiêu doanh thu và 39,6% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm.

Cuối quý II, tổng tài sản của Nam Việt tăng khoảng 4% so với đầu năm lên hơn 5.044 tỷ đồng; trong đó, hàng tồn kho đạt 1.915 tỷ đồng, tăng khoảng 1% so với đầu năm và chiếm gần 38% tổng tài sản.

Tổng nợ phải trả là 2.622 tỷ đồng; trong đó, nợ vay tài chính đạt 2.229 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm và bằng 92% vốn chủ sở hữu.

Hết quý II/2021, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt hơn 2.421 tỷ đồng; trong đó, vốn cổ phần là 1.275 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 1.152 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 22/7, ANV có giá 27.050 đồng/cổ phiếu, tăng gần 8% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1.

Công ty TNHH Nam Việt được thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 27 tỷ đồng và chức năng kinh doanh chính là xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Năm 2000, Công ty quyết định đầu tư mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực chế biến thủy sản, khởi đầu là việc xây dựng Xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Mỹ Quý với tổng vốn đầu tư là 30,8 tỷ đồng, chuyên chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa đông lạnh.

Trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2004, Nam Việt đã đầu tư thêm hai nhà máy sản xuất thuỷ sản đông lạnh là Nhà máy Nam Việt (được đổi tên từ Xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Mỹ Quý) và Nhà máy Thái Bình Dương với tổng công suất chế biến trung bình là 500 tấn cá/ngày./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục