Lợi nhuận ngân hàng Mỹ tăng vọt bất chấp biến động chính sách thuế

10:34' - 20/07/2025
BNEWS Kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy giới đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp dường như đã bắt đầu "phớt lờ" những tuyên bố thuế quan dồn dập của chính quyền.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2025 vừa công bố cho thấy sáu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã tạo ra tổng lợi nhuận khoảng 39 tỷ USD, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích và tăng hơn 20% so với lợi nhuận lõi cùng kỳ năm ngoái.

Đây là một kết quả đáng ngạc nhiên sau một khởi đầu quý đầy biến động. Giai đoạn này bắt đầu bằng cú sốc trên thị trường vào ngày 2/4 sau khi Tổng thống Donald Trump công bố gói thuế quan sâu rộng mang tên "Ngày Giải phóng". Vào thời điểm đó, các nhà kinh tế của JPMorgan Chase thậm chí còn dự báo chính sách này có thể gây ra một cuộc suy thoái ngay trong năm nay.

 
Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi mạnh mẽ sau khi ông Trump trì hoãn các loại thuế quan đối với hầu hết các đối tác thương mại. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy giới đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp dường như đã bắt đầu "phớt lờ" những tuyên bố thuế quan dồn dập của chính quyền, xem chúng như những phát ngôn gây nhiễu và mạnh dạn xúc tiến các giao dịch hàng tỷ USD.

Nhà phân tích Mike Mayo của Wells Fargo nhận định hoạt động ngân hàng đầu tư, tăng trưởng cho vay và sự lạc quan về các kịch bản kinh tế đều khởi sắc. Hiện các cuộc thảo luận về suy thoái gần như đã không còn. Sự năng động này được thể hiện rõ nét tại JPMorgan, ngân hàng lớn và có lợi nhuận cao nhất nước Mỹ. Ngân hàng này đã tạo ra khoảng 15 tỷ USD lợi nhuận trong quý, gần bằng tổng lợi nhuận của ba ngân hàng lớn tiếp theo cộng lại.

Bất ngờ lớn nhất đến từ mảng ngân hàng đầu tư, gồm tư vấn sáp nhập, phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), phát hành nợ và cổ phiếu. Doanh thu mảng này tại JPMorgan tăng vọt 7%, cao hơn 450 triệu USD so với dự báo của các nhà phân tích, chỉ vài tuần sau khi các nhà quản lý cảnh báo về khả năng sụt giảm khoảng 15%.

Giám đốc Tài chính (CFO) Jeremy Barnum của JPMorgan chia sẻ sự khởi sắc của phí ngân hàng đầu tư, ở một mức độ nào đó, phản ánh việc các doanh nghiệp đã chấp nhận sự bất ổn và quyết định tiếp tục các giao dịch. Cộng đồng doanh nghiệp dường như đã chấp nhận rằng họ chỉ cần tìm cách xoay xở để vượt qua.

Ông Barnum cho biết các chỉ số nội bộ của JPMorgan về rủi ro kinh tế Mỹ đã "hạ nhiệt" so với quý đầu tiên, khi một số kịch bản tồi tệ nhất đã được loại bỏ. Ông Barnum khẳng định nền kinh tế đang đi đúng theo kịch bản "hạ cánh mềm". Cùng lúc đó, người tiêu dùng và các công ty đang vay tiền nhiều hơn từ JPMorgan, mà ghi nhận tăng trưởng cho vay đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình khả quan thậm chí khiến Giám đốc điều hành (CEO) Jamie Dimon của JPMorgan, người thường xuyên cảnh báo về rủi ro, cũng tỏ ra tương đối lạc quan. Ông chỉ ra các yếu tố thúc đẩy như dự luật chi tiêu của Tổng thống Trump, vốn duy trì mức thuế doanh nghiệp và mở rộng các khoản khấu trừ kinh doanh, cùng với những nỗ lực bãi bỏ quy định trên nhiều ngành.

Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố một đề xuất sửa đổi yêu cầu về vốn mà các ngân hàng phải nắm giữ đối với các tài sản rủi ro thấp. Động thái này có khả năng giải phóng hàng tỷ USD cho các ngân hàng, giúp họ tăng cường mua lại cổ phiếu, mua đối thủ cạnh tranh hoặc thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục