Lợi nhuận trước thuế của Vinatex vượt 35% kế hoạch năm

14:15' - 26/10/2021
BNEWS Năm 2021, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 700 tỷ đồng, thì sau 3 quý lợi nhuận trước thuế đạt 946 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm

Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex (mã chứng khoán: VGT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2021 với doanh thu và đặc biệt là lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, doanh thu bán hàng quý 3/2021 đạt 4.077 tỷ đồng, tăng 22,9% so với quý 3/2020, trong khi đó tốc độ tăng của giá vốn hàng bán thấp hơn so doanh thu (chỉ tăng 17,4% so với cùng kỳ), nên lợi nhuận gộp Quý 3/2021 tăng 87,3% so với cùng kỳ.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tuy tăng cao (tăng tương ứng 26,7% và 24% so với cùng kỳ) nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh nên Tập đoàn Dệt May Việt Nam vẫn ghi nhận mức lợi nhuận tốt, lợi nhuận trước thuế Quý 3 đạt 316 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh giãn cách xã hộị ở nhiều địa phương.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán hàng đạt 11.137 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 946 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ và là kết quả cao nhất kể từ khi Tập đoàn Dệt May Việt Nam chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 9 tháng 2021 đạt 569 tỷ đồng, tăng 181,7% so với cùng kỳ.

Năm 2021, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 700 tỷ đồng, thì sau 3 quý lợi nhuận trước thuế đạt 946 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm và đã phục hồi về mức trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2019 (Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2019 là 765 tỷ đồng).

Sang quý 4/2021, khi nền kinh kế dần hồi phục và mở cửa trở lại sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4, dự kiến Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục đạt những kết quả ấn tượng.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, năm 2022 sẽ là thời điểm đầu tiên của 3 năm phục hồi sau dịch bệnh (2022-2024). Tập đoàn đặt mục tiêu vừa phục hồi sản xuất, phục hồi tài chính, phục hồi khách hàng và thị trường đồng thời với cấu trúc lại, tinh gọn kể cả phải thu hẹp quy mô, chuyển đổi công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý, tái phân bổ địa bàn sản xuất.

Cụ thể ở các khu vực như ngành may, tiến tới khắc phục 2/3 mức sụt giảm do đóng cửa, huy động tỷ lệ lao động. Riêng các đơn vị ở khu vực ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, không bị giãn cách năm 2021 cần quay lại mức trước khi có dịch bệnh của năm 2019.

Với ngành sợi, sẽ duy trì xu thế tiến bộ đáng kể của năm 2021, tiếp tục cải thiện và duy trì biên lợi nhuận ở mức tiên tiến nhất của ngành sợi Việt Nam. Ngành dệt sẽ gia tăng sản lượng dệt kim trên 50%, tiếp tục bám sát khách hàng và thị trường đã khai thông năm 2021; tập trung cải thiện thực chất hiệu quả nhờ quy mô và kinh nghiệm tích lũy trong sản xuất 2021.

Thử thách lần này là cam go nhất trong suốt 25 năm qua, con đường duy nhất là toàn bộ hệ thống phải vững vàng, sáng suốt và quyết tâm cao để có thể đề ra và triển khai thành công kế hoạch phục hồi, điều chỉnh, nâng cấp với định vị mới phù hợp diễn biến của thị trường, ông Lê Tiến Trường cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục